Long Khánh là xã nông thôn biên giới của huyện Bến Cầu, có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài 4,5 km. Trong xã có trên 2.000 ha đất nông nghiệp, sản xuất chủ yếu là cây lúa, mía, mì, bắp…
Tạo ra tính liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững
Do sản xuất của từng hộ gia đình còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa bền vững, chưa gắn kết được với các doanh nghiệp tiêu thụ, chủ yếu qua thương lái nên thường bị ép giá, khiến cho đời sống nông dân địa phương khá bấp bênh.
Mô hình chuyển đổi cây bắp trên nền đất lúa gắn với liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Bến Cầu. |
Chính vì vậy, cách đây 5 năm, với sự hỗ trợ của chính quyền UBND xã Long Khánh và huyện Bến Cầu, HTX dịch vụ nông nghiệp Long Khánh đã được thành lập với mục tiêu hoạt động hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo ra tính liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, tăng thêm lợi ích cho các thành viên, góp phần nâng cao đời sống nông dân địa phương.
Từ 15 thành viên ban đầu, số thành viên của HTX đang dần tăng lên, cùng hợp tác tương trợ lẫn nhau. HTX giúp các thành viên bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống bắp, giống lúa và cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc, thu hoạch sản phẩm.
Tổng diện tích sản xuất của HTX là 15 ha, một năm sản xuất 2 vụ lúa, bắp. Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đạt hiệu quả tốt, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 41 triệu đồng/năm/ha. Trong tháng 5/2023 HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Khánh đã được UBND tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh tế hợp tác năm 2022.
Từ chỗ là một xã nghèo, chính quyền xã Long Khánh đã tìm cách tạo điều kiện để nâng dần mức sống cho người dân. Nhất là cùng với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan của huyện Bến Cầu phát triển kinh tế hợp tác và hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như: Cho vay vốn, hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ công cụ sản xuất…Nhờ vậy đã góp phần giúp đời sống người dân trong xã có chuyển biến khá rõ rệt, kéo giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu.
Còn ở xã An Thạnh, một xã cửa ngõ phía đông nam của huyện Bến Cầu, cách biên giới Campuchia 7km. Nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông chiếm 87%. Thời gian qua, nhờ phát triển kinh tế hợp tác và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã giúp cho nhiều nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã nỗ lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của HTX dịch vụ nông nghiệp xã An Thạnh được thành lập từ cách đây 3 năm. Đây cũng là HTX được UBND tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen trong tháng 5/2023 vì những đóng góp trong hoạt động kinh tế hợp tác năm 2022.
Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Với hoạt động hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap, HTX dịch vụ nông nghiệp xã An Thạnh đã tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.
Bên cạnh đó, HXT này còn tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ, sản xuất rau, củ, quả và cây ăn trái và nhân giống lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho thị trường. HTX còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông lâm sản.
Hoạt động hiệu quả của các HTX nông nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho người dân ở huyện biên giới Bến Cầu thoát nghèo bền vững. |
Ngoài hai xã nêu trên, phải kể thêm xã Long Thuận (huyện Bến Cầu). Trong xã có gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp, có hệ thống thủy lợi và kênh tiêu đảm bảo phục vụ cho việc tưới tiêu, người dân sinh sống chủ yếu sản xuất cây lúa, bắp, hoa màu…Tuy nhiên do sản xuất của từng hộ gia đình chưa có tính liên kết bền vững nên cuộc sống của người dân còn nghèo khó.
Do đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Long Thuận đã thành lập với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao VietGap cho xã Long Thuận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm….
Và nhất là HTX đã cung ứng sản phẩm và các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống. HTX đã hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thêm lợi ích cho các thành viên giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế hợp tác, đến nay, ở Long Thuận đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi gà thả vườn, bò sinh sản, trồng cây mít, sầu riêng, cây thanh long, cây dừa, mãng cầu ta, tre lấy măng... với nhiều tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo đánh giá mới nhất từ UBND huyện Bến Cầu trong tháng 5/2023 cho thấy, hoạt động kinh tế tập thể, HTX của huyện trong quý 1/2023 và năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong năm 2022 các HTX trong huyện hoạt động hiệu quả cao, lãi trên 3 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so cùng kỳ năm trước đó. Còn trong quý 1/2023 các HTX lãi trên 2,1 tỷ đồng
Với HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp trong huyện thì có 8/10 HTX hoạt động có lãi. Các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ vay vốn trên các lĩnh vực: nhân giống lúa, trồng rau, nuôi cá nước ngọt, may mặc, vay vốn sản xuất, dịch vụ thuỷ lợi, dịch vụ bảo vệ thực vật... hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Bên cạnh đó, trong huyện có 2 Quỹ Tín dụng nhân dân Long Thuận và An Thạnh hoạt động hiệu quả trong việc cho vay đầu tư sản xuất nông nghiệp. Qua đó đã giúp nhiều nông dân có cơ hội vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi và thúc đẩy kinh tế hợp tác.
Tin rằng, với sự khởi sắc của các HTX, tổ hợp tác và áp dụng các mô hình mới cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng và sức mạnh cạnh tranh hàng hóa nông sản…sẽ là “nhân tố” giúp cho người dân ở huyện biên giới Bến Cầu thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả.
Thanh Loan