Quan Sơn là huyện miền núi biên giới nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, là một trong những huyện nghèo của tỉnh theo Nghị quyết 30a. Toàn huyện có 55% thôn bản, 10/13 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn; có gần 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Liên kết trong tổ hợp tác
Theo UBND huyện Quan Sơn, những năm trở lại đây, công tác giảm nghèo trên địa bàn đã có những đột phá quan trọng. Nhiều mô hình tổ hợp tác (THT), HTX kiểu mới được thành lập, trong đó có một số mô hình do phụ nữ làm lãnh đạo. Những điều này đã tạo thành phong trào giảm nghèo trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà huyện đề ra.
Tại bản Hát, xã Tam Lư, THT chăn nuôi vịt bản địa do chị Vi Thị Thuyến làm Tổ trưởng THT, đã hoạt động được gần 3 năm với hơn 20 thành viên tham gia.
![]() |
Các HTX, THT đã giúp địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. |
Chị Vi Thị Thuyến chia sẻ, THT chăn nuôi vịt bản địa được Hội LHPN huyện hỗ trợ hơn 1.000 con vịt giống, thức ăn ban đầu, với mục đích tạo việc làm cho 20 thành viên là hội viên phụ nữ, nhằm nâng cao thu nhập, tăng cường sự liên kết giữa các thành viên, phát huy nội lực thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần hạn chế tái nghèo. Các thành viên tham gia THT còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng tránh dịch bệnh cho vịt.
Theo tính toán, nếu một hộ nuôi 50 con vịt, một năm 3 lứa, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 20 triệu đồng. Người dân lại không phải đi làm xa ở các tỉnh, huyện khác.
Hiện, THT đã liên kết được với các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp học đường để cung ứng vịt. Việc này giúp chị em yên tâm về đầu ra, có thêm động lực duy trì sản xuất.
Tham gia THT đã từng bước giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ tại bản Hát nâng cao nhận thức, chuyển từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Hoạt động sản xuất của THT có sự quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ của hội phụ nữ cơ sở để duy trì đàn vật nuôi, giúp chị em phát huy nội lực, thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của UBND xã Tam Lư, THT là nơi để chị em hỗ trợ và giám sát nhau sản xuất. Hoạt động của mô hình này vừa tạo được động lực thi đua lao động, sản xuất, vừa từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp chị em vươn lên thoát nghèo chính đáng.
“Việc hỗ trợ kịp thời con giống, hướng hội viên vào sản xuất tập thể đã giúp hội viên có thêm động lực vượt khó, thoát nghèo, sản xuất bền vững, từng bước xây dựng địa chỉ tin cậy để hội viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trên địa bàn”, đại diện UBND xã Tam Lư cho hay.
Làm giàu từ sản phẩm OCOP
Cũng giống như THT chăn nuôi vịt bản địa, chị em phụ nữ xã Trung Xuân đã thành lập THT sản xuất chè tán ma Pha Dua và đưa sản phẩm chè đặc trưng này thành sản phẩm OCOP, đồng thời hình thành các vùng chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.
Chị Phạm Thị Cán, Tổ trưởng THT chè tán ma Pha Dua cho biết, chè tán ma Pha Dua là sản phẩm truyền thống lâu đời của người Thái ở huyện Quan Sơn. Mặc dù chè tán ma có công dụng rất tốt, nhưng những năm trước đây, nhiều diện tích chè không được chăm sóc đã dần mai một. Từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), người dân đã chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, chú trọng các khâu chế biến cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo chị Cán, khác với trước đây các hộ mạnh ai nấy làm, nay các hộ được hỗ trợ tập huấn kiến thức, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, các thành viên trong THT chế biến và cung ứng ra thị trường được 80 - 100kg chè tán ma khô, với giá bán 200.000 đồng/kg.
Thời gian tới, để sản phẩm chè tán ma có cơ hội tìm kiếm thị trường, THT mong các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ để bà con mở rộng thêm diện tích sản xuất tập trung; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chè tán ma Pha Dua đã đạt OCOP 3 sao, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc…
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng NN&PTNT, hiện nay, toàn huyện Quan Sơn có trên 100 ha diện tích trồng chè tán ma, tập trung chủ yếu tại các xã Trung Xuân, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng…, riêng xã Trung Xuân có trên 35 ha. So với các loại cây trồng khác, chè tán ma có nhiều tiềm năng về giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu chè tán ma của huyện còn gặp nhiều khó khăn, do chè được trồng rải rác, không tập trung.
![]() |
Hoạt động của các HTX, THT ở Quan Sơn giúp gắn kết các chuỗi liên kết trong sản xuất, qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Huyện Quan Sơn đã chú trọng hoàn thiện sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, hoàn thiện việc thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc an toàn vệ sinh thực phẩm… Triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng theo chương trình OCOP; hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, THT. Những kết quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi mới, bền vững trong phát triển kinh tế, giúp người dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập.
Tạo “cú hích” để phát triển kinh tế vùng biên
Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải pháp trọng tâm được huyện đẩy mạnh là tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Huyện chú trọng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung, thành lập các mô hình HTX, THT, qua đó góp phần quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Huyện Quan Sơn hiện tại có gần 60 HTX và THT, trong đó có nhiều HTX, THT hoạt động rất hiệu quả. Huyện đã khuyến khích các HTX, THT cùng liên kết với nhau để xây dựng các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP. Những HTX, THT đã giúp đỡ nhau trong việc thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn này rất tốt. Đặc biệt, các giám đốc HTX đều là những đầu tàu trong việc trồng, chăm sóc, chế biến cho đến khâu tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm của HTX mình làm ra”, ông Chu Đình Trọng thông tin.
Hoạt động của các HTX, THT ở Quan Sơn đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và gắn kết các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã nghèo 4-5%/năm.
Với những giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quan Sơn đã và đang tiếp tục đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Đoàn Huyền