Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, huyện Tiên Lữ tập trung hỗ trợ sản xuất, dạy nghề gắn với tạo việc làm. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với ngành, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ giống lúa, cây trồng… cho nông dân.
Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo
Từng là hộ nghèo, gia đình chị Nguyễn Thị Hồi ở xã Hải Triều được các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của xã giúp đỡ cách làm, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.
![]() |
Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (Ảnh: Int) |
Với nguồn vốn vay của Phòng giao dịch - Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Lữ, gia đình chị Hồi đã đầu tư nuôi bò sinh sản, vịt đẻ... mỗi năm thu lãi 40 - 50 triệu đồng. Nhờ đó, chị có điều kiện để chăm lo cho gia đình, nuôi các con ăn, học…
Không chỉ được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, gia đình chị Hồi còn được hỗ trợ nhà ở. “Chồng tôi qua đời sớm vì bệnh hiểm nghèo, mình tôi gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, trong đó 2 con nhỏ vẫn trong độ tuổi đến trường, 1 cháu bị khuyết tật trí tuệ… Gia đình tôi phải ở trong ngôi nhà ẩm thấp, cũ hỏng do được xây dựng từ lâu”, chị Hồi kể.
Nhằm chia sẻ với khó khăn của gia đình chị Hồi, năm 2020, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 80 triệu đồng để chị xây dựng nhà ở. Có được ngôi nhà kiên cố đã giúp gia đình chị Hồi vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, có thêm động lực phát triển kinh tế, ổn định đời sống và thoát nghèo.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Lữ, gia đình chị Hồi là một trong nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Tiên Lữ hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống thời gian qua. Nhờ chính sách này, đến hết năm 2021, toàn huyện Tiên Lữ chỉ còn 726 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,4% tổng số hộ) và 784 hộ cận nghèo.
Xã Hải Triều là một trong 43 xã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt đăng ký phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 17/5/2021.
Để nâng cao đời sống hội viên nông dân, chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn đã tuyên truyền, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp cho hội viên mua phân bón trả chậm, vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, xã đã có hơn 40 trang trại vừa và nhỏ, mỗi năm có hơn 500 hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần nâng cao thu nhập của người dân năm 2021 lên 50 triệu đồng/người/năm.
Đại diện UBND tỉnh cho biết, đến hết năm 2021, toàn tỉnh còn 10.368 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,55% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025). Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh không có hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh mới. Năm 2022, tỉnh phấn đấu giảm 1.372 hộ nghèo. Và để thực hiện mục tiêu trên, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025…
Tăng cường liên kết hợp tác
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Lữ cho biết, trong năm 2022 và những năm tới, huyện Tiên Lữ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường”.
![]() |
Tiên Lữ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với trọng tâm xây dựng mô hình HTX; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp.
Đồng thời, duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị. Theo đó, huyện xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ then chốt và ưu tiên; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng đầu tư trang thiết bị để có thể thực hiện được các dự án với quy mô lớn, công nghệ hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, làng nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trong đó, xác định được tầm quan trọng của kinh tế hợp tác đối với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, huyện Tiên Lữ những năm qua thường xuyên phát triển các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Các HTX thành lập mới hoạt động ở mức khá, có doanh thu cao và làm ăn có lãi mang lại lợi nhuận cho các thành viên, đã xây dựng được liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như: HTX Nấm Thành Yên (xã Trung Dũng), HTX Rau an toàn Chiến Thắng, HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp (xã Đức Thắng), HTX chăn nuôi thôn An Tào (xã Cương Chính)...
Hầu hết các HTX, tổ hợp tác đã chuyển đổi hoạt động theo quy định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh; từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên. Một số mô hình tổ hợp tác tổ chức sản xuất tốt, thực hiện liên kết với các HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, do vậy đã đem lại lợi ích cho người lao động, giúp người lao động giảm được chi phí sản xuất, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
Trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã xuất hiện một số mô hình HTX trong các ngành nghề mới, như: HTX vệ sinh môi trường; HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Một số HTX mới được thành lập gắn với việc đáp ứng nhu cầu kinh tế, đời sống của các nhóm đối tượng khác nhau, như: HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên, HTX của các cựu chiến binh...
Một trong những điển hình của khu vực kinh tế hợp tác ở huyện Tiên Lữ là HTX Rau an toàn Chiến Thắng, xã Thiện Phiến, hoạt động theo hướng liên kết, hỗ trợ nông dân địa phương trong quá trình sản xuất, từ đó đang mang lại lợi ích cho cả HTX và người dân.
HTX tập trung sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Cùng với việc tiến hành liên kết với các nông hộ tại địa phương, HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với các HTX và công ty sản xuất rau củ quả, chăn nuôi lợn, cá, gia cầm VietGAP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Không chỉ làm giàu cho các thành viên, HTX còn tạo được việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Phương Linh