Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, nhận thấy vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2021, tỉnh đã ban hành chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX theo chuỗi với những sản phẩm chủ lực như rau màu, cá tra, lúa gạo…
Đẩy mạnh liên kết HTX và DN
Theo đó, tỉnh đã tập trung xây dựng “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững; ứng với mỗi “Hệ sinh thái HTX” sẽ xây dựng một đề án phát triển riêng, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, ngân hàng, Quỹ Tín dụng Nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý, HTX, nông dân, người tiêu dùng....
Bên cạnh đó, An Giang cũng chú trọng xây dựng Chương trình phát triển HTX theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán.
Đến nay, An Giang đã thành lập 212 HTX nông nghiệp, trong đó phần lớn là các HTX kiểu mới đã chú trọng liên kết với doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tiêu biểu như Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết với 33 HTX để xây dựng vùng nguyên liệu. Hay Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương với HTX sản xuất và dịch vụ Tân Lập (huyện Tịnh Biên) trên diện tích 2.000 ha/năm…
An Giang đi đầu trong phát triển cánh đồng lớn nhờ nhận thức đúng vai trò của HTX và doanh nghiệp trong liên kết chuỗi. |
Trong sản xuất cây ăn trái, nổi lên mô hình liên kết chuỗi giữa HTX Long Bình (huyện An Phú) thực hiện liên kết đầu ra với 2 doanh nghiệp với diện tích khoảng 200 ha. Hay mô hình liên kết chuỗi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai với các tổ hợp tác ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới với diện tích gần 45 ha.
Mỗi chuỗi giá trị liên kết giữa HTX và doanh nghiệp tại An Giang đều có những dấu ấn riêng nhưng đều được coi là động lực quan trọng trong việc tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Ông Cao Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc (huyện Tri Tôn) cho biết, các HTX đều được Công ty Lộc Trời cung cấp giống, vật tư. Đồng thời, thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên HTX và người nông dân.
“Đặc biệt, mô hình ‘không dấu chân’ trên mặt ruộng được cơ giới hóa hoàn toàn, sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Khi thu hoạch, cũng dùng máy hoàn toàn. Mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 10-15%. Nhờ đó, thành viên yên tâm canh tác”, ông Tiền chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ xây dựng mối liên kết giữa nông dân-HTX-doanh nghiệp mà An Giang ngày càng mở rộng được các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Chỉ tính riêng chuỗi giá trị lúa gạo của An Giang đã ngày càng mở rộng về quy mô, từ 5% (năm 2020) lên 20% (năm 2022) tổng diện tích gieo trồng lúa gạo. Dự tính đến 2025, các chuỗi giá trị lúa gạo sẽ tiếp tục được mở rộng, từ đó nâng diện tích canh tác lúa theo chuỗi của tỉnh lên 50% trên tổng diện tích lúa gạo toàn tỉnh.
Thêm cơ hội từ sửa đổi Luật HTX
Nhiều mô hình HTX liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho người nông dân, thành viên HTX và góp phần tăng trưởng bền vững cho ngành nông nghiệp An Giang.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm cho biết, đến nay người dân, cơ quan quản lý của tỉnh luôn coi phát triển kinh tế tập thể, HTX là nhiệm vụ sống còn trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là khu vực sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị. Dự kiến từ nay đến năm 2025, chỉ tính riêng tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại An Giang với phương thức liên kết cùng hàng trăm HTX để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Đặc biệt thời gian qua, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX ở An Giang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp. Việc liên kết, thực hiện đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Hơn nữa, trong nông nghiệp, các HTX đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 30 doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất, thông qua khoảng 50 HTX và 249 tổ hợp tác.
Theo đó, diện tích liên kết lúa nếp đạt gần 88.000 ha, diện tích liên kết rau màu gần 4.000ha, diện tích liên kết cây ăn trái đạt gần 1.400ha. Để ngành nông nghiệp địa phương phát triển, ngoài những chính sách của tỉnh và Nhà nước trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, người dân và các HTX ở An Giang đang tin tưởng rằng những điểm mới của dự thảo Luật HTX (sửa đổi) nếu được sửa đổi, bổ sung kịp thời, thiết thực sẽ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tập thể, HTX. Từ đó là động lực và nền tảng quan trọng để phát triển và mở rộng các chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, cho rằng hiện dự thảo Luật HTX (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chính, nới lỏng điều kiện thành lập, quy định đối tượng bắt buộc phải kiểm toán… Điều này tạo thuận lợi cho HTX phát triển minh bạch theo chuỗi.
Nhưng bên cạnh đó, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ một cách cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho những HTX nhiều thành viên, quy mô lớn được nhận nhiều thuận lợi trong quá trình hình thành và phát triển. Từ đó, tiếp tục tạo tiền để thu hút người dân tham gia, mở rộng quy mô chuỗi giá trị.
Minh Nhương