Huyện Đầm Hà là địa phương có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung và tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, các mô hình này phát triển có sự gắn kết với người dân, tạo thành chuỗi liên kết để cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Có thể kể đến mô hình chăn nuôi Gà bản Đầm Hà do anh Nguyễn Văn Tuyền, giám đốc HTX Tuyền Hiền thành lập và phát triển.
Thăm quan mô hình HTX chăn nuôi tiêu biểu tại Đầm Hà
Khởi nghiệp chăn nuôi gà từ năm 2013, vợ chồng anh Tuyền bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi gà bản thương phẩm trên diện tích ban đầu là 100m2 với 1.000 con gà, nhờ chịu khó tìm tòi kinh nghiệm nên trong 2 năm 2013, 2014 mô hình chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gà bản Đầm Hà là giống gà bản địa của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) được HTX Tuyền Hiền phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nhận thấy tiềm năng của gà bản Đầm Hà, năm 2015, anh Tuyền cùng vợ mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trang trại phát triển mô hình sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trải qua nhiều lần rút kinh nghiệm từ thực tế, dần anh Tuyền đã làm chủ được kỹ thuật và thành công với mô hình này. Đến nay, trang trại gà của gia đình anh Tuyền đã mở rộng quy mô sản xuất, trung bình mỗi năm HTX Tuyền Hiền cung cấp 15-30 vạn con giống, trên 20 tấn gà thương phẩm cho thị trường, tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng.
Gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương. Sản phẩm gà bản Đầm Hà không chỉ nổi tiếng ở nơi đây, mà còn được tiêu thụ tại nhiều chuỗi siêu thị, nhà hàng ở Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội...
Giống gà của HTX Tuyền Hiền không chỉ cung cấp cho Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... mà còn mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên...
Hiện HTX Tuyền Hiền cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết đạt trên 5,8 tỷ đồng.
Một mô hình phát triển chăn nuôi quy mô lớn tại Đần Hà cũng đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ là tại HTX Thắng Huệ (phố Hà Quang Vóc, thị trấn Đầm Hà).
Từ tháng 4/2019, anh Đinh Văn Thắng cùng với 6 người bạn thành lập HTX Thắng Huệ. Hoạt động chính của HTX là dịch vụ ấp trứng và sản xuất giống gia cầm. Trước khi HTX ra đời, 12 năm liên tục, anh Thắng được biết đến là nông dân tiêu biểu trong thi đua sản xuất giỏi của thị trấn Đầm Hà với mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng.
Anh Thắng phấn khởi cho biết: “HTX được thành lập để giúp các thành viên cùng liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho thật hiệu quả. Không cùng sản xuất chung tại một địa điểm nhưng các hộ sản xuất đều có sự đầu tư thống nhất, bài bản thông qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Dù mới thành lập nhưng trên uy tín sẵn có của từng thành viên, chúng tôi đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ trứng và con giống ổn định cho các trang trại trong vùng và các địa phương lân cận”.
Toàn bộ trứng gia cầm của HTX Thắng Huệ đều được ấp tự động bằng máy. |
Điều đáng mừng là từ thành công của HTX Tuyền Huyền và HTX Thắng Huệ đã tạo động lực để người dân trên địa bàn huyện Đầm Hà mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Tân hiện đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà bản Đầm Hà với quy mô đàn từ 1.000 - 1.500 con cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ địa phương chỉ có một vài trang trại chăn nuôi tập trung, đến nay, huyện Đầm Hà đã có 59 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (chiếm gần 50% tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện). Trong đó, các trang trại, mô hình HTX phần lớn đều có sự liên kết với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
HTX góp phần phát triển kinh tế bền vững
Theo số liệu thống kê của huyện Đầm Hà, đến hết năm 2021, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là Quảng Tân, Tân Bình, Dực Yên, Đầm Hà, Tân Lập. Kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2021 của huyện đạt trên 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 62,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, nước sạch đạt 73,29% tại khu vực nông thôn... Đặc biệt, đến hết tháng 11/2021, huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo và là huyện được Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình NTM.
Từ cuối năm 2021, huyện Đầm Hà ban hành Nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2022 đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao, 4/8 xã đạt NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt NTM nâng cao, 64/66 thôn đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,1%, thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm.
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện đã phê duyệt, điều chỉnh, ban hành nhiều quy hoạch như Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung các xã trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Quy hoạch chi tiết Dự án chăn nuôi …
Huyện tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ công nhận 1.300ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ, vận động các HTX, người dân tổ chức liên kết chăn nuôi gà bản Đầm Hà…
Theo đại diện huyện Đầm Hà, nhận thấy các mô hình HTX ngày càng phát huy hiệu quả, sự phát triển của các HTX đã góp phần quan trọng đưa kinh tế của huyện phát triển bền vững và tăng trưởng tốt, huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển các mô hình HTX nông nghiệp.
Cụ thể, huyện Đầm Hà đã triển khai tốt các chính sách hỗ trợ về Đăng ký thành lập mới HTX, thủ tục chứng nhận sản xuất an toàn, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, hướng dẫn liên kết sản xuất, cung ứng bao tiêu sản phẩm...
Lãnh đạo huyện đã quan tâm chỉ đạo ngay từ UBND cấp xã phải thường xuyên rà soát tình hình hoạt động, nắm bắt rõ những khó khăn, vướng mắc của các HTX, từ đó có các biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vào cuộc để cán bộ, hội viên hội nông dân được cung cấp thông tin, kiến thức về Luật HTX, các chính sách, pháp luật có liên quan đến HTX, vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Đăng Khôi