Ra đời trong hoàn cảnh như trên giúp cho các HTX nông nghiệp tại Đầm Hà gia tăng sức mạnh về tài chính, nhân lực, quy mô sản xuất, khoa học công nghệ và ngày càng nâng cao năng lực của mô hình kinh tế hợp tác.
Xây dựng thương hiệu “Gà bản Đầm Hà”
Tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu cho sản phẩm gà bản Đầm Hà. HTX Tuyền Huyền, xã Quảng Tân là đơn vị đã sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi toàn huyện.
Tháng 5/2016, anh Nguyễn Văn Tuyền đứng ra vận động một số hộ cùng chí hướng để thành lập HTX Tuyền Huyền. Hoạt động chính của HTX là sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương, xây dựng thương hiệu gà bản Đầm Hà.
Trước khi bắt tay xây dựng thương hiệu gà bản Đầm Hà, anh Tuyền đã có thời gian học hỏi việc nuôi gà tại huyện Tiên Yên – thủ phủ gà ngon tại Quảng Ninh. Khi đó, vợ chồng anh đã thuê nhà, thuê đất để mở trang trại gà rộng 100m2 nuôi khoảng 1.000 con gà.
Sau quá trình nuôi, anh nhận thấy giống gà bản Đầm Hà thịt cũng thơm ngon không kém gà Tiên Yên. Gà bản Đầm Hà được bà con ở các làng bản nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương. Gà có thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, chân thấp, lông màu vàng sặc sỡ. Gà mái vừa có râu, vừa có mũ, trong khi nhiều giống gà nổi tiếng khác chỉ có râu.
Gà bản Đầm Hà được nuôi thả trên đồi và thức ăn chủ yếu là ngô hạt nên chất lượng thịt rất thơm ngon |
Từ số tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng, anh Tuyền mạnh dạn về quê xây dựng trang trại phát triển sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để có được gà giống bố mẹ, anh Tuyền phải lặn lội lên tận các xã vùng cao của huyện, thậm chí vào các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thu gom.
Hiện, HTX có trang trại gà rộng khoảng 2ha. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm gà bản Đầm Hà được tiêu thụ chủ yếu tại Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và TP Hà Nội... HTX đứng ra bao tiêu 100% gà thương phẩm cho người nuôi.
Chị Nguyễn Thị Luyến, thôn Hải An, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, cho biết: "Trước đây nếu nuôi nhiều, tôi lo không bán được, nhưng hiện không phải lo lắng gì cả, vì HTX đã lo đầu ra ổn định. Từ khi có thương hiệu Gà bản Đầm Hà, gia đình tôi đã nuôi tăng số gà của gia trại mình lên 2.000 con".
Phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Từ tháng 4/2019, anh Đinh Văn Thắng cùng với 6 người bạn thành lập HTX Thắng Huệ (phố Hà Quang Vóc, thị trấn Đầm Hà). Hoạt động chính của HTX là dịch vụ ấp trứng và sản xuất giống gia cầm. Trước khi HTX ra đời, 12 năm liên tục, anh Thắng được biết đến là nông dân tiêu biểu trong thi đua sản xuất giỏi của thị trấn Đầm Hà với mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng.
Anh Thắng phấn khởi cho biết: “HTX được thành lập để giúp các thành viên cùng liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho thật hiệu quả. Không cùng sản xuất chung tại một địa điểm nhưng các hộ sản xuất đều có sự đầu tư thống nhất, bài bản thông qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Dù mới thành lập nhưng trên uy tín sẵn có của từng thành viên, chúng tôi đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ trứng và con giống ổn định cho các trang trại trong vùng và các địa phương lân cận”.
Toàn bộ trứng gia cầm của HTX Thắng Huệ đều được ấp tự động bằng máy (Ảnh: TL) |
Điều đáng nói là từ thành công của HTX Tuyền Huyền và HTX Thắng Huệ đã tạo động lực để người dân trên địa bàn huyện Đầm Hà mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Tân hiện đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà bản Đầm Hà với quy mô đàn từ 1.000 - 1.500 con cho hiệu quả kinh tế cao. Từ địa phương chỉ có một vài trang trại chăn nuôi tập trung, đến nay, huyện Đầm Hà đã có 59 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (chiếm gần 50% tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện).
Nhằm thay đổi nếp sản xuất nông nghiệp theo quy mô hộ, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế thấp, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển các mô hình HTX nông nghiệp. Cụ thể, huyện Đầm Hà đã triển khai tốt các chính sách hỗ trợ về: Đăng ký thành lập mới HTX; thủ tục chứng nhận sản xuất an toàn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu; hướng dẫn liên kết sản xuất, cung ứng bao tiêu sản phẩm...
Lãnh đạo huyện đã quan tâm chỉ đạo ngay từ UBND cấp xã phải thường xuyên rà soát tình hình hoạt động, nắm bắt rõ những khó khăn, vướng mắc của các HTX, từ đó có các biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vào cuộc để cán bộ, hội viên hội nông dân được cung cấp thông tin, kiến thức về Luật HTX năm 2012, các chính sách, pháp luật có liên quan đến HTX, vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Thanh Vân