Nhờ sự quyết tâm của Hội đồng quản trị, thành viên và ý thức của người lao động nên công tác an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng được nâng cao, hạn chế tối đa số vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
An toàn để sản xuất
HTX Xuân Hòa thành lập năm 2014 và hoạt động theo Luật HTX 2012 với 18 hộ thành viên tham gia. Sau 6 năm, HTX đã phát triển lên 30 thành viên, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 30ha gồm các sản phẩm chủ lực như: cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, ban quan trị và các thành viên của HTX xác định, môi trường lao động và điều kiện lao động của ngành nuôi trồng thủy sản chủ yếu là lao động thủ công nặng nhọc, độc hại, làm việc ngoài trời, mùa hè nhiệt độ cao, mùa đông nhiệt độ thấp, thường xuyên tiếp xúc, ngâm mình trong môi trường nước trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Người lao động trong môi trường nuôi trồng thủy sản cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và các phương tiện bảo hộ để hạn chế rủi ro về tai nạn lao động (Ảnh: TL) |
Nhận thấy tất cả các công đoạn trong quá trình nuôi thủy sản đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động, các thành viên HTX đã áp dụng đúng các quy trình khoa học trong từng bước nhằm hạn chế rủi ro. Ngoài trang bị bảo hộ lao động, HTX còn chú trọng sử dụng các chế phẩm vi sinh để người lao động hạn chế phải tiếp xúc với những chất độc hại, giảm tình trạng người lao động bị mắc các bệnh phụ khoa, viêm da, nấm da, mẩn ngứa, dị ứng.
Ông Lê Thế Nhật, thành viên HTX Xuân Hòa cho biết, người lao động trong môi trường nuôi trồng thủy sản thường đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn, đồng thời thường mắc một số bệnh phổ biến chiếm một tỷ lệ khá cao theo thứ tự là các bệnh về da, bệnh phụ khoa, bệnh xương khớp, bệnh viêm phổi, bệnh tim mạch... Chính vì vậy, bảo đảm an toàn lao động cho các lao động hoạt động trong ngành nuôi trồng thủy hải sản là điều vô cùng quan trọng và được HTX xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
“Đa số người lao động, thành viên nuôi trồng thủy sản đều là lao động nông thôn, ít hiểu biết về an toàn lao động, về các yếu tố độc hại trong môi trường lao động của mình, nên việc trang bị kiến thức qua các lớp tập huấn cho người lao động để dự phòng tác hại bệnh nghề nghiệp là một trong những yếu tố được HTX quan tâm đầu tiên. Nhờ sự quan tâm sát sao của Hội đồng quản trị cùng ý thức cao của người lao động nên trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản của HTX chưa để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào”, ông Nhật cho biết.
Tạo việc làm ổn định cho lao động
Cùng với đảm bảo an toàn lao động, trong quá trình nuôi, chăm sóc thuỷ sản, các thành viên HTX đã áp dụng công nghệ nuôi trồng theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản từ các nguyên liệu tỏi ủ lên men, bột tôm, bột cá, đậu tương, ngô... Theo đó, HTX đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản nên năng suất, chất lượng thuỷ sản của HTX Xuân Hoà ngày càng nâng cao (Ảnh:TL) |
Bình quân hàng tháng, toàn HTX giảm được trên 200 triệu đồng chi phí thức ăn nuôi thủy sản. Hội đồng quản trị HTX còn kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX được sản xuất theo liên kết chuỗi; trong đó tất cả các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt. Quá trình nuôi áp dụng cho ăn giảm đạm, tăng chất xơ, tạo chất lượng thịt chắc và thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện, HTX đang thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cá lăng cắt khúc để đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch.
Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, các thành viên HTX đã hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất.
“Nhờ chú trọng công tác an toàn lao động gắn với mục tiêu phát triển sản xuất bền vững, năm 2019, tổng doanh thu HTX đạt 28 tỷ đồng. Trung bình mỗi ha nuôi trồng của thành viên đạt 180 - 200 triệu đồng. Hiện, ngoài 30 thành viên, HTX còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người lao động so với bình quân chung trong cả nước tuy không lớn, nhưng so với địa phương ở thời điểm hiện tại khá ổn định”, ông Bản chia sẻ.
Hà Nam