Nông nghiệp huyện Đại Từ đang có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại (Ảnh Tư liệu) |
Nhiều kết quả tích cực
Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực đưa các giống cây trồng có năng suất, hiệu quả cao, phù hợp với đồng đất của địa phương vào sản xuất.
Dựa trên những chính sách hỗ trợ, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung có giá trị cao như vùng trồng rau ở Hùng Sơn, vùng trồng bưởi Diễn ở Tiên Hội, củ đậu, dưa hấu ở Bản Ngoại…
Điển hình như mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX nông nghiệp Trung Na (xã Tiên Hội). Nhà kính diện tích 1ha của HTX được xây dựng và đi vào sản xuất năm 2016, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm, khu vực nhà kính của HTX tổ chức sản xuất 50 tấn cà chua, 25 tấn khoai tây, doanh thu 700 - 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 – 10 lao động thời vụ.
Cây chè đang là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp huyện Đại Từ. Toàn huyện đang có khoảng 6.300 ha chè, chiếm 1/3 diện tích chè toàn tỉnh, với nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như La Bằng, Khuôn Gà, Hoàng Nông…
Hiện, huyện đã thành lập được 15 HTX chè, có 33 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quyết định công nhận. Đặc biệt, vùng chè Núi Pháo được hỗ trợ xây dựng trên 70 ha chè VietGAP, chiếm gần 10% diện tích chè VietGAP của huyện Đại Từ.
HTX chè La Bằng đang là tên tuổi nổi bật trong phát triển mô hình chè VietGAP tại Đại Từ. HTX đang có 12 thành viên, 60 hộ liên kết, tổng diện tích sản xuất hơn 20 ha, trong đó có 50% diện tích sản xuất hữu cơ, còn lại theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ chất lượng vượt trội cùng sự linh hoạt trong tìm kiếm, kết nối thị trường, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường lớn trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…
Vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ để mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao tại Đại Từ phát triển (Ảnh TL) |
Tháo gỡ những vướng mắc
Theo thống kê, toàn huyện có 53 HTX, trong đó có 45 HTX nông nghiệp, 38 làng nghề hoạt động hiệu quả được công nhận. Cùng với các chính sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đang được mở rộng về quy mô, đa dạng hơn về sản phẩm.
Đang có những bước tiến tích cực, tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Quang Nạp – cán bộ HTX nông nghiệp Trung Na, chia sẻ HTX đang đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên vẫn còn vướng do những khó khăn về hạ tầng (điện, đường, thủy lợi), thị trường, khoa học – kỹ thuật…
Nhận thức được những khó khăn của các HTX, mô hình trong ứng dụng sản xuất công nghệ cao, những năm qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Điển hình, để khuyến khích sản xuất rau an toàn, huyện Đại Từ đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 100 ha và đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Tiên Hội.
Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng 4 tuyến đường nội đồng kết nối với Quốc lộ 37, hoàn thiện hệ thống kênh mương, hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao khoa học công nghệ.
Đại diện UBND huyện Đại Từ cho hay, để mở đường cho các HTX, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn về vốn đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng nhân lực…
Sáu Ngạn