Quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp giúp chị Kim Ngọc làm chủ kinh tế, vươn lên làm giàu (Ảnh Tư liệu) |
Dám nghĩ, dám làm
Năm 2011, chị Lương Thị Kim Ngọc - hiện đang là Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc, tốt nghiệp cử nhân Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Với nhiều người, tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định cùng mức lương khá cao tại một doanh nghiệp ở thành phố là mơ ước.Tuy nhiên, sau 4 năm trải nghiệm, làm việc tại thành phố, niềm đam mê với nông nghiệp đã thôi thúc chị Ngọc trở về quê lập nghiệp, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị nhận thấy nghề trồng nấm mang lại thu nhập cao, dễ trồng, thích hợp với điều kiện địa phương.Vì vậy, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn từ gia đình, bạn bè chị đã đầu tư nhà xưởng và trồng thử nấm sò.
Khác với nhiều hộ trồng nấm ở quê, trên nền tảng kiến thức của một cử nhân nông lâm, chị Ngọc triển khai mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vạn sự khởi đầu nan, trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP là một thách thức với một người mới như chị Ngọc. Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ khâu trồng, chăm sóc đến xử lý dịch bệnh, các đợt nấm đầu tiên vẫn tăng trưởng khá chậm, năng suất nấm không cao, chất lượng sản phẩm cũng không như kỳ vọng.
“Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương hoàn toàn xa lạ với khái niệm nấm VietGAP, họ chỉ quan tâm đến giá cả nên dù chất lượng có cao đến đâu mà giá cao hơn một chút là họ bỏ qua không mua”, chị Ngọc chia sẻ.
Dù phải chịu thiệt hại không nhỏ song với tôn chỉ mục đích rõ ràng, chị Ngọc vẫn chấp nhận để dần hoàn thiện quy trình trồng nấm VietGAP thay vì chấp nhận chuyển sang mô hình trồng nấm truyền thống, chạy theo lợi nhuận. Cuối cùng, những nỗ lực của chị đã dần được đền đáp, trang trại nấm dần đi vào ổn định, nấm phát triển tốt cho năng suất cao hơn và chất lượng đảm bảo.
Về thị trường, dù chưa có những đơn hàng lớn, nhưng nhiều thương lái và người dân địa phương đã dần quen với sản phẩm nấm VietGAP, nhiều người chấp nhận bỏ mức giá cao hơn để mua sản phẩm tốt. Một số đối tác ngoài địa phương cũng dần biết đến cơ sở trồng nấm của chị Ngọc.
Nấm rơm đang có thị trường rộng mở tại miền Bắc, giá bán cao, lợi nhuận vượt trội (Ảnh TL) |
Mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập
Với những thành công bước đầu của mô hình thử nghiệm, nắm chắc quy trình sản xuất VietGAP, Lương Thị Kim Ngọc tính toán để mở rộng diện tích trang trại trồng nấm nhằm nâng cao thu nhập, hướng tới mục tiêu làm giàu.
Để có vốn sản xuất, chị mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng để xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và thuê lại đất chuyển đổi nông nghiệp của thôn.
Hiện, chị Ngọc đã xây dựng thành công khu nhà xưởng sơ chế nguyên liệu và nuôi trồng nấm rộng 200m2 được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tự động, máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, điều khiển nhiệt độ, giàn giá nuôi trồng hiện đại...
Quy trình sản xuất VietGAP được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, trang trại nấm của chị Ngọc nhanh chóng cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội. Hiện, bình quân mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường từ 0,8 – 1 tấn nấm, lợi nhuận bình quân 20 – 25 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh cây nấm sò trồng khi khởi nghiệp, chị Ngọc trồng thêm cây nấm rơm. “Nấm sò dễ trồng cho năng suất cao nhưng giá bán chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Do vậy, từ năm 2018 tôi chuyển đổi trồng thêm nấm rơm. Không có năng suất quá cao nhưng nấm rơm ngon, được lòng thị trường và có giá bán cao”, chị Ngọc cho hay.
Nhờ thu nhập ổn định, chị Ngọc đã chứng minh lựa chọn bỏ phố về quê khởi nghiệp làm giàu của mình là hoàn toàn đúng đắn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng nấm VietGAP của chị đã truyền cảm hứng thoát nghèo, làm chủ kinh tế cho hàng chục hộ gia đình khác tại địa phương.
Đặc biệt, từ thành công của mình, chị Ngọc đã đứng ra thành lập và trở thành Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc với 7 thành viên và hướng tới xây dựng thương hiệu nấm sạch, nhằm đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn.
Theo chị Ngọc, tại miền Bắc nhu cầu sử dụng nấm rơm đang rất lớn trong khi các cơ sở sản xuất không nhiều, vì vâỵ thị trường ổn định, giá bán cao. Với lợi nhuận vượt trội, mô hình trồng nấm là mô hình rất tốt để giúp người dân thoát nghèo, làm giàu.
Hưng Nguyên