Nhờ nuôi gà đồi, từ hộ khó khăn gia đình anh Tuyên vươn lên khá giả (Ảnh Tư liệu) |
Nuôi gà là một trong những nghề truyền thống tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, các mô hình nuôi gà mới thực sự phát huy hiệu quả nhờ những chuyển biến trong tư duy sản xuất, phương thức chăn nuôi của người dân.
Thu tiền tỷ nhờ nuôi gà
Cũng giống như nhiều hộ chăn nuôi địa phương, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi gà đã có những thành công khi triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vào năm 2014.
Anh Tuyên cho biết trước đây gia đình anh và nhiều hộ nuôi gà trong vùng vẫn chủ yếu nuôi gà theo phương pháp truyền thống.Việc kiểm soát chất lượng đầu vào không được chặt chẽ, thức ăn cho gà hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Do đó chất lượng thịt không đảm bảo, dịch bệnh thường xuyên xảy ra...
Phải đến năm 2014, khi HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh được thành lập, đồng thời nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gia đình anh Tuyên mới bắt đầu áp dụng chăn nuôi gà theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn và chất lượng.
“Việc chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhanh chóng phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Bắt đầu từ nuôi vài trăm con hiện gia đình tôi đã xây dựng thành công hệ thống trang trại với quy mô trên 6.000 con gà”, anh Tuyên chia sẻ.
Trang trại của gia đình anh triển khai 2 giống gà chính là gà ri và gà ri lai. Đây là 2 giống gà dễ nuôi phù hợp với điều kiện bán chăn thả, có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhờ gà phát triển ổn định, mỗi năm anh Tuyên xuất bán thành công 10.000 – 20.000 con gà đồi thương phẩm, doanh thu đạt 1 – 1,2 tỷ đồng/năm. Từ một hộ nhiều khó khăn, gia đình anh Tuyên vươn lên hàng khá giả, được nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương học tập.
Là Phó Giám đốc HTX Đông Thịnh, anh Tuyên chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu (Ảnh TL) |
Thành công nhờ chăn nuôi khoa học
Để có được thành công hiện tại, anh Nguyễn Văn Tuyên cho rằng khoa học – kỹ thuật là yếu tố then chốt. Quy trình nuôi gà đồi trải qua rất nhiều công đoạn, tuy nhiên trong quá trình chăm sóc cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn con giống.
“Trước đây, khi chưa tự chủ được giống, chúng tôi tuyển chọn gà giống từ cơ sở uy tín. Hiện tại, khi đã tự chủ việc nhân giống gà, tôi và các thành viên HTX vẫn đặc biệt chú trọng việc tuyển chọn những con giống tốt nhất, sạch bệnh, kiên quyết loại bỏ các con không đạt chuẩn khi bán ra thị trường”, anh Tuyên khẳng định.
Ngoài việc lựa chọn con giống đảm bảo thì việc vệ sinh chuồng trại cũng quan trọng không kém. Sau khi xuất bán một lứa gà phải để trống chuồng trại từ 15 – 20 ngày để vệ sinh, phun thuốc sát trùng, rắc vôi rồi mới cho lứa tiếp theo vào chuồng. Gà thường mắc các bệnh như cầu trùng, CRD (hen), ký sinh trùng và ecoli (tiêu chảy) nên việc sử dụng thuốc kháng sinh để phòng ngừa bệnh cho gà là hết sức cần thiết.
Theo anh Tuyên, việc nuôi gà thả đồi không mất quá nhiều công chăm sóc và ít bệnh tật hơn gà nuôi chuồng. Đặc biệt, việc kết hợp nuôi gà thả đồi với quy trình chăm sóc khép kín được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ kiểm định, theo dõi thường xuyên nên chất lượng thịt gà đồi thơm ngon và săn chắc hơn.
Nhờ chất lượng được đảm bảo, gia đình anh Tuyên đang ký hợp đồng trực tiếp với 4 đơn vị thu mua gà đồi thương phẩm, chủ yếu là các cửa hàng, khách sạn ở Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Kạn và một số trường mầm non trên địa bàn huyện Phú Bình.
Mô hình nuôi gà đồi đang giúp gia đình anh Tuyên phát triển kinh tế với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhưng không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tuyên hiện đang là Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm để giúp hàng chục thành viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Nhật Minh