Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, với các mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao, đang là yếu tố then chốt giúp xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đạt 100% các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra.
Dấu ấn ở Thạnh Xuân
Bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp So Đũa Lớn, chia sẻ sau hơn nửa đời người sinh ra và lớn lên ở Thạnh Xuân, bà chưa từng nghĩ quê hương có ngày tươi đẹp, hạ tầng, đường sá đi lại thuận tiện như hiện tại.
Con đường liên xã chạy qua ấp So Đũa Lớn dài hơn 1 km được trồng hoa ở hai bên, tạo cảnh quan tươi sáng, vừa tạo ấn tượng với khách tham quan. Bà Lan cho biết cách đây vài năm, khi chính quyền địa phương phát động trồng hoa trên tuyến đường này, người dân ủng hộ ngay.
“Tuyến đường này giống như “bộ mặt” của ấp, do đó người dân chúng tôi phải thường xuyên dọn dẹp cho xanh, sạch, đẹp, thông thoáng, để đường mãi đẹp, có nhiều hoa”, bà Lan hồ hởi nói.
Châu Thành A là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Hậu Giang. |
Sự đồng lòng của người dân chính là một trong những điểm tựa để xã Thạnh Xuân có được những thành công ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để có được điều đó, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng thực hiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Nhiều mô hình được Nhân dân triển khai như: “tuyến đường hoa, nhà đẹp”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Phân loại xử lý rác thải”, “Thắp sáng đường quê”,… Người dân còn tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đê bao thủy lợi, xây lộ giao thông nông thôn.
Ngoài tham gia đóng góp như kể trên, người dân còn tập trung phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cụ thể, đến nay, xã có 9 tổ kinh tế hợp tác và 2 HTX; 6 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận; 355 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động hiệu quả…, với thu nhập bình quân 72-75 triệu đồng/người/năm, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 1,81%.
Điểm tựa nông nghiệp
Thạnh Xuân chỉ là một trong những điểm sáng về thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Châu Thành A. Sau khi về đích huyện nông thôn mới từ cuối năm 2019, những năm qua, huyện đã không ngừng nỗ lực với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Một trong những ấn tượng nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Châu Thành A là thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Sau hơn 10 năm triển khai các chương trình hỗ trợ, huyện đã quy hoạch, xây dựng thành công các vùng liên kết, trong đó hình thành 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa với tổng diện tích 800ha và 1 cánh đồng số hóa với tổng diện tích 80ha.
Đáng chú ý, trên những cánh đồng lớn ở Châu Thành A, nhiều HTX, tổ hợp tác đã được hình thành, trở thành cầu nối cho người nông dân, thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với diện tích khoảng 5.000ha trên địa bàn các xã như: Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn.
Thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa trong xây dựng nông thôn mới Châu Thành A. |
Đơn cử, tại xã Trường Long Tây có HTX Phước Trung đang là đầu tàu liên kết, hỗ trợ nông dân từ sản xuất, chuyển giao công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ.
Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Phước Trung chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, HTX đã liên kết bà con lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa, cũng như được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn”.
Chính nhờ sản xuất khoa học, HTX liên tục nâng cao diện tích, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại, HTX có 100ha đất lúa ở ấp Trường Thọ A và Trường Phước A được hộ liên kết canh tác theo chuẩn VietGAP, với sản lượng cung ứng mỗi năm hơn 2.000 tấn.
Ngoài ra, HTX còn có hơn 300ha sản xuất lúa hàng hóa, 40ha sản xuất lúa giống và ở mỗi vụ canh tác đều có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua một phần hoặc 100%.
Ngoài cây lúa, hiện huyện Châu Thành A cũng quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo điều kiện canh tác của từng địa phương sẽ gắn với loại cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện liên kết giữa các nhà vườn cùng doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hướng tới nông thôn mới nâng cao
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có 22 HTX nông nghiệp, 70 tổ hợp tác và nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu các sản phẩm như lúa, xoài cát Hòa Lộc, nhãn Ido, cam sành, chanh không hạt, sầu riêng,...
Phong trào phát triển HTX trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có những thay đổi rõ nét, nhất là thông qua công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức của ngành chức năng từ huyện đến cơ sở nên nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, các mô hình giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX của huyện được duy trì và không ngừng nhân rộng, nên mức thu nhập của người dân dần được cải thiện, nhiều hộ từ chỗ khó khăn nay đã vươn lên khá giả trong cuộc sống.
Mục tiêu đến năm 2030, Châu Thành A sẽ thành lập mới 50 tổ hợp tác, 20-25 HTX, 2 liên hiệp HTX, lãi bình quân của 1 HTX 2,7 tỷ đồng/năm; 80% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; 80% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững
Với những điểm tựa đang có, huyện Châu Thành A đặc mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu, huyện xác định cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự đồng tình, chung sức của người dân trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, các xã cần xác định mô hình đột phá phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để mang tính khả thi và đạt theo quy định của tiêu chí; đồng thời không ngừng tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Mỹ Chí