Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 227 HTX nông nghiệp, trong đó, có 99% HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Số HTX được xếp loại khá, tốt chiếm trên 42%. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sản xuất
Tại huyện Sơn Tịnh, từ khi chuyển đổi thực hiện theo Luật HTX năm 2012, nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (HTX Tịnh Thọ) Nguyễn Minh Trang, trước khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, xã Tịnh Thọ có 5 HTX, nhưng chỉ HTX Thọ Trung hoạt động tốt, còn lại các HTX khác hoạt động ít hiệu quả. Năm 2016, 5 HTX đã hợp nhất thành 1 HTX với tên gọi HTX Tịnh Thọ. Từ đó, HTX đã tập trung vào các điểm mạnh để khai thác tối đa sức sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các thành viên.
Cây khoai lang Nhật do thành viên HTX Tịnh Thọ trồng mang lại hiệu quả kinh tế. |
Song song với việc thực hiện tốt các dịch vụ truyền thống như Thủy lợi, tín dụng nội bộ, lâm nghiệp..., HTX còn triển khai thêm dịch vụ mới như liên kết với thành viên HTX sản xuất thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp. Với những giải pháp tối ưu, doanh thu của HTX Tịnh Thọ tăng đều hàng năm. Thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng.
Thành viên HTX Tịnh Thọ chia sẻ, sau hợp nhất, chuyển đổi, HTX phát triển rất mạnh, các dịch vụ đều đáp ứng nhu cầu của người dân, từ việc mua phân trả chậm, sản xuất các loại cây trồng được bao tiêu đầu ra như keo, lúa, mì, bắp, đậu phộng, khoai lang... Từ đó, kích thích tinh thần đổi mới tư duy của người dân .
Tại HTX Nông nghiệp Bình Hải (HTX Bình Hải), huyện Bình Sơn ông Đỗ Biên Nhất, Giám đốc HTX Bình Hải chia sẻ, hành tím Bình Hải đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được chọn để phân hạng gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, đầu ra và giá bán hành tím luôn ổn định ở mức cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân và các thành viên HTX.
Mô hình của HTX Bình Hải vừa đồng thời cung ứng các dịch vụ truyền thống vừa tập trung đầu tư phát triển cây hành tím. Đến nay, đã có 136 hộ dân tham gia trồng hành tím, với diện tích 180ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn/năm.
Hành tím Bình Hải dần khẳng định thương hiệu. |
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, HTX nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với NTM, nên cần được củng cố và phát triển. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 119 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu) và 6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 1 huyện được công nhận là huyện NTM nâng cao, hoặc kiểu mẫu).
HTX là “bà đỡ” cho phát triển nông nghiệp
Đáng nói, hiện ở Quảng Ngãi có nhiều HTX do các trí thức trẻ thành lập có hiệu quả, tạo sức lan tỏa ở vùng nông thôn. Hoạt động của các HTX này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng DTTS. Qua đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhưng để hoàn thành xây dựng NTM, thì phải có HTX tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả, bền vững. Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2022, Quảng Ngãi tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, để phát triển khu vực KTTT, HTX, tỉnh Quảng Ngãi đang đặt mục tiêu toàn tỉnh có khoảng 250 THT với 2.500 thành viên; 330 HTX với gần 300.00 thành viên; 2 liên hiệp HTX. Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trên tổng số HTX của tỉnh; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt từ 50%; có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.
Doanh thu bình quân của HTX đạt 4.000 triệu đồng/HTX. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 200 triệu đồng/HTX. Phấn đấu xây dựng tối thiểu 2 HTX kinh doanh tổng hợp theo chuỗi giá trị với quy mô cấp huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 10% HTX, THT ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 30% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX không những nâng cao vai trò, hiệu quả của HTX, mà còn là đòn bẩy trong xây dựng NTM. Trong thời gian tới, các HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX, gắn với chuỗi giá trị tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
"HTX là “bà đỡ” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, là chỗ dựa cho nông dân, góp phần xây dựng NTM. Do đó, các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX hoạt động và ngày càng phát triển”, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Đông Hòa