Cách đây hơn 3 năm, anh A Ran, người dân tộc Xơ Đăng ở xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy được hỗ trợ cải tạo hơn 5.000 m2 đất để trồng đảng sâm theo hướng hữu cơ. Để nâng cao hiệu quả, anh A Ran chủ động đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, tưới tự động và áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Thu trăm triệu nhờ sản xuất hữu cơ
Bên cạnh đầu tư mạnh cho khoa học kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm năng suất cao, chất lượng vượt trội, anh A Ran chủ động tham gia vào chuỗi giá trị liên kết của HTX Nông sản và dược liệu sạch Kon Tum để được hỗ trợ về thị trường tiêu thụ.
Đến nay, nhờ tham gia chuỗi liên kết của HTX, bình quân mỗi năm, anh A Ran thu về trên dưới 100 triệu đồng. “Được sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của HTX, tôi dễ dàng nắm bắt kỹ thuật, duy trì sản xuất quanh năm mà không còn quá phụ thuộc vào thời tiết. Cũng nhờ có HTX và doanh nghiệp bao tiêu nên chúng tôi không còn lo về đầu ra”, anh A Ran hồ hởi nói.
Cây dược liệu dưới tán rừng đang cho thấy tiềm năng rất lớn tại nhiều địa phương ở tỉnh Kon Tum. |
Được biết, HTX Nông sản và Dược liệu sạch Kon Tum đang liên kết với nhiều doanh nghiệp để xây dựng vườn ươm cây giống đảng sâm ở Tân Lập, cung cấp nguồn cây giống chất lượng cao. HTX đang trở thành điểm tựa sản xuất cho hàng trăm hộ thành viên, nông dân liên kết tại địa phương.
Bên cạnh dược liệu, những năm qua, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Kon Rẫy cũng đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng lâu năm, trong đó chủ lực là cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được gần 100 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng số diện tích cây ăn quả hiện có lên trên 1.020 ha, trong đó 780 ha do người dân trồng và 240 ha do HTX, doanh nghiệp trồng, chủ yếu là các loại cây trồng như mít, sầu riêng, chuối, xoài…
Một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ, cho hiệu quả vượt trội ở Kon Rẫy là HTX Đăk Tơ Lung Xanh, xã Đăk Tơ Lung. Được thành lập từ năm 2017, xuất phát điểm với 39 hộ thành viên, 2/3 là người dân tộc thiểu số, HTX Đăk Tơ Lung Xanh đang hoạt động đa ngành nghề gồm sản xuất kinh doanh và các dịch vụ nông nghiệp khác.
Thúc đẩy chuỗi liên kết, nâng cao giá trị
Đến nay, HTX Đăk Tơ Lung Xanh có 4 sản phẩm được chứng nhận VietGAP là chuối, mít, sầu riêng và chanh không hạt. Với chất lượng vượt trội, các sản phẩm của HTX luôn được thị trường ưa chuộng, giá bán cao. Nhờ hoạt động ổn định, HTX có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 60 – 80 triệu đồng/hộ/năm.
Anh A Huy, người dân tộc Ba Na, thành viên liên kết của HTX, hiện đang phát triển gần 1 ha đất vườn đồi trồng chuối và mít, chia sẻ ngày trước gia đình anh trồng luân phiên ngô và sắn, cả năm vất vả nhưng chỉ đủ ăn, con cái đi học theo diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.
Năm 2018, được HTX Đăk Tơ Lung hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, kinh tế gia đình anh nhanh chóng được cải thiện. Không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư đầu vào, cuối vụ anh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao.
Kon Tum dự kiến tiếp tục thúc đẩy các cây trồng thế mạnh, sản xuất theo hướng hữu cơ. |
“Giờ làm việc nhàn hơn ngày xưa nhiều, không cần thức khuya dậy sớm nữa, bởi hầu hết các công đoạn từ làm đất, tưới nước, đến xử lý sâu bệnh hại, thu hoạch, vận chuyển đều đã có máy móc hỗ trợ. Sản phẩm làm ra không lo được mùa mất giá. Với sự đồng hành của HTX, 2 năm qua, mỗi năm tôi thu về gần 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh A Huy phấn khởi nói.
Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, việc chủ động thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết trong các HTX, tổ hợp tác để hình thành các chuỗi giá trị đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho nông dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy nói riêng và toàn tỉnh Kon Tum nói chung.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, tổng diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh đạt trên 16.192 ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (cà phê, các loại rau, cây ăn quả...) đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... đạt gần 800ha, cho giá trị vượt trội.
Điển hình, ông Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy cho biết, ông áp dụng mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 24,97ha của gia đình, trong đó, có gần 21ha đã được cấp mã số vùng trồng. Đến nay, có 13 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 300 tấn/năm, với giá bán ổn định, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình ông thu được 15-17 tỷ đồng/năm.
Đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn
Với diện tích đất nông nghiệp trên 902.000ha, trong đó có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, ngành nông nghiệp vẫn luôn được xác định là một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Kon Tum.
Với định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay nền nông nghiệp của tỉnh đã bước đầu đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ.
Tổng diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính của tỉnh phát triển mạnh, đạt 197.994ha. Trong đó thay đổi rõ nét nhất là diện tích cây công nghiệp tăng lên, như cà phê đạt 29.708,9ha, cao su đạt 77.491,9ha; diện tích một số cây trồng khác, như cây ăn quả đạt 9.423ha, cây mắc ca đạt 2.326,7ha, cây sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.749ha, cây dược liệu khác đạt khoảng 5.119ha.
Hiện, toàn tỉnh đã cấp được 20 mã số vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 346,21ha và 2 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó có 6 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 95ha; 3 mã số vùng trồng mít thái với diện tích 103ha; 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 89,5ha; 2 mã số vùng trồng chanh leo diện tích 25,7ha; 1 mã số vùng trồng dứa với diện tích 12ha...
Với những thành công đang có, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 5 vùng nông nghiệp, 7 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, xây dựng ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia... Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.
Mỹ Chí