Sau gần 20 năm nỗ lực không biết mệt mỏi, học hỏi kinh nghiệm từ những lần thất bại, đứng dậy rồi vấp ngã, đến nay ông Lê Văn Sấm đang gặt hái thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trên tổng diện tích sản xuất hơn 50 ha, mang lại doanh thu bình quân 40-50 tỷ đồng/năm.
Những “ngôi sao sáng”
Ông Ba Sấm hiện là thành viên của Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú. Chia sẻ về “cái nghiệp” nuôi tôm của mình, ông cho hay phong trào nuôi tôm đã bắt đầu phổ biến ở miền quê xã Thạnh Hải từ những năm 2000, nhưng thời điểm đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống.
Cách làm cũ khiến mô hình nuôi tôm ở Thạnh Hải không đem lại hiệu quả cao, đa số lao động trẻ tuổi ở địa phương chọn bỏ quê lên phố để làm thuê. Trong bối cảnh đó, vào năm 2006, khi vừa về hưu, ông Ba Sấm bắt đầu cải tạo ao nuôi, chính thức bước vào chặng đường khởi nghiệp với con tôm.
Các câu lạc bộ tỷ phú nông dân ở Bến Tre đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. |
Mọi chuyện bắt đầu với ông Ba Sấm vô cùng thuận lợi, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật, ông nuôi đâu trúng đó. Trong 6 năm đầu tiên, ông Ba Sấm trở thành tấm gương cho các hộ trong xã và vùng lân cận noi theo, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm.
Tuy nhiên, đến năm 2012, sau thời gian dài nuôi tôm theo cách truyền thống, hệ thống ao bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước suy giảm, khiến năng suất tôm liên tục lao dốc, tôm chết hàng loạt, ông Ba Sấm chịu thiệt hại nặng nề.
“Khoảng thời gian từ 2012 đến 2015 là thời kỳ khó khăn nhất với gia đình tôi, sau chuỗi thành công liên tiếp là chuỗi thất bại nối dài tưởng như không thể vực dậy nổi. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc, tìm kế sinh nhai khác”, ông Ba Sấm kể.
Nhưng rồi “sau cơn mưa trời lại sáng”, cuối năm 2015, ông Ba Sấm tình cờ biết đến mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao. Như người “chết đuối vớ được cọc”, ông cất công tìm hiểu kỹ thuật nuôi tại các trang trại lớn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Nai…, rồi bắt đầu thử nghiệm với 1 ao diện tích 1.000 m2, vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng.
Cái duyên nuôi tôm một lần nữa xuất hiện, kỳ tích được tái lập, 1.000 m2 ao nuôi tôm trúng lớn nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật. “Vụ đó, tôi thu về 8 tấn tôm, doanh thu 800 triệu đồng", ông Ba Sấm chia sẻ.
Với thành công từ vụ đầu tiên, ông Ba Sấm tiếp đà mở rộng hệ thống nuôi lên 25 ao. Cũng với “công thức” tương tự ao nuôi đầu tiên, các ao sau đều cho hiệu quả rất cao, năng suất đạt trên dưới 8 tấn/ao, doanh thu đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/ao.
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Sau gần 8 năm kể từ ngày chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang công nghệ cao, hiện ông ba Sấm sở hữu trang trại nuôi tôm rộng hơn 50 ha, chia làm 8 khu nuôi ứng dụng công nghệ cao như: nhà lưới, máy tạo ô xy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động.
Để đảm bảo hiệu quả, trang trại của ông Ba Sấm đang phối hợp với một doanh nghiệp chế biến tôm xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm), bán với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.
Với năng suất vượt trội, giá bán cao, hiện trung bình mỗi năm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Sấm cho thu hoạch từ 700-800 tấn tôm, thu về lợi nhuận từ 40 đến 50 tỷ đồng.
Bến Tre đang có hơn 10 câu lạc bộ tỷ phú nông dân, và dự kiến tiếp tục được nhân rộng. |
Ông Ba Sấm chỉ là một trong gần 50 thành viên của Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú, đang là những “lá cờ đầu” thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên mảnh đất quê hương tại Bến Tre.
Ông Bảy An (tên thường gọi của ông Đặng Văn Bảy, ngụ xã Thạnh Phong) là một trong những cái tên nổi bật trong Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú. Cũng giống như ông Ba Sấm, ông Bảy An bắt đầu tìm ra “công thức thành công” cho mô hình nuôi tôm từ năm 2015 khi chuyển sang ứng dụng công nghệ cao.
Hiện, tổng diện tích nuôi tôm của gia đình ông Bảy An lên tới 50ha, trong đó có 25 ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín. Vào thời điểm tôm được giá, với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, ông Bảy An thu về lợi nhuận 30 - 50 tỷ đồng.
Ông Bảy An cho biết Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú thành lập từ năm 2021 với 23 thành viên. Đến nay câu lạc bộ đã có 46 thành viên với diện tích nuôi khoảng 600 ha, trong đó có 40 thành viên nuôi tôm công nghệ cao với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
“Câu lạc bộ là nơi các tỷ phú nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Bảy An chia sẻ.
Tiếp tục nhân rộng các điểm sáng
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 10 câu lạc bộ, với 415 thành viên, hoạt động đa dạng các ngành nghề. Các nông dân tỷ phú là những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, làm giàu chính đáng và góp phần đóng góp xây dựng quê hương.
Đáng chú ý, thành viên các câu lạc bộ đã và đang tích cực tiên phong làm nòng cốt và vận động nhiều người khác tham gia vào tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Đến nay, các thành viên đã tham gia thành lập 63 tổ hợp tác và 17 HTX. Trong đó, 37 thành viên các câu lạc bộ tham gia vào ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát của HTX.
Các thành viên câu lạc bộ tỷ phú là những hạt nhân góp phần cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những thành viên của các câu lạc bộ còn tiên phong đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương như xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội… Nhằm giúp những nông dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, thành viên các câu lạc bộ "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa, bưởi, sầu riêng…, chăn nuôi gà, vịt, heo, bò... cùng nhau phát triển kinh tế.
Có thể nói, các câu lạc bộ nông dân tỷ phú trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã và đang tạo sự lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, được các HTX, nông dân quan tâm, hưởng ứng thực hiện ngày càng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng. Nhờ học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm hay, cách làm giỏi những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm ở Bến Tre xuất hiện ngày nhiều, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm xuống.
Song Ngư