Xuất thân từ một hộ nông dân nghèo nên khi khởi nghiệp chỉ có hai bàn tay trắng. Nhận thấy đất rừng ở đây còn hoang hóa, bỏ không, vợ chồng anh Bhơling Hách đã tranh thủ khai hoang.
Đa dạng hoá trồng trọt, chăn nuôi
Thời gian đầu, vợ chồng anh trồng cây sắn, cây ngô xen canh lấy ngắn nuôi dài.Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương, đặc biệt là được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh đã thay đổi cách nghĩ và cách làm.
Hiện đàn dê của gia đình anh Hách có hơn 30 con (Ảnh: TL) |
Nhanh nhạy trong việc học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các hộ dân khác và theo hướng dẫn của Hội nông dân xã nên năng suất cây trồng của gia đình anh Hách từng bước được nâng lên, cuộc sống dần được cải thiện. Năm 2019 gia đình anh Hách đã thoát nghèo và được xếp vào diện hộ có kinh tế khá ở xã.
Từ những kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy nếu chỉ trồng độc canh một loại cây sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và thu nhập cũng bấp bênh nên anh đã xây dựng cho mình được một mô hình kinh tế có hiệu quả theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi.
Hiện tại gia đình có 05 ha rừng trồng các loại cây Quế, cây Keo đã và đang cho khai thác cùng với 0,5 ha cây cam, quýt, 1ha đẳng sâm.
Bên cạnh đó, anh còn tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà đào ao thả cá làm chuồng chăn nuôi dê. Đến nay, đàn dê của gia đình có hơn 30 con, hàng trăm con gà, vịt và trồng thêm rau, củ, quả các loại. Đồng thời, gia đình anh còn làm thêm 6 sao ruộng để trồng lúa nước.
Ngoài ra, tận dụng những vùng đất trũng tại khu vườn rừng, anh đã cải tạo đào đắp ao thả cá với hơn 3 nghìn m2, mỗi năm thu về hơn 5 triệu đồng.
Đặc biệt, nhận thấy nhu cầu khai thác gỗ rừng trồng của người dân ở đây khá lớn nhưng lại nằm ở cách xa đường cái, do đó để bán được cây gỗ rừng trồng thì chi phí cho việc vận chuyển quá cao. Theo đó, anh đã vận động bà con hiến đất chân đồi rừng, còn gia đình anh bỏ tiền thuê mở được con đường dài khoảng hơn 2km thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ bán rừng trồng của gia đình cũng như nhiều hộ dân trong khu vực.
Gương sáng trên đất nghèo
Tính đến nay, bình quân mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư gia đình anh có nguồn thu hơn 50 triệu đồng. Từ đó cuộc sống gia đình từng bước được nâng lên.
Mô hình chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Bhơling Hách (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia vào Tổ hợp tác, phối hợp với Hội nông dân xã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như giúp vốn, khoa học kỹ thuật đối với các thành viên nghèo, khó khăn phát triển kinh tế gia đình … Qua đó, nhiều hộ gia đình hội viên đã vượt khó, vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo nhận xét của ông Zơrâm Buôn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện: anh Bhơling Hách xuất phát từ gia đình nghèo khó, nhà đông anh em, nhưng biết chịu khó làm ăn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống ngày càng được nâng lên thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá tại xã.
Qua đây có thể thấy, nhờ bản tính cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, anh Hách đã tự tìm tòi mô hình sản xuất thích hợp đúng hướng để mang lại kết quả cao. Từ việc làm ăn có tính toán, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để có tích lũy và sự nỗ lực vượt khó vươn lên để thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương mình, anh Bhơling Hách là một tấm gương ở địa phương về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhật Nam