Hiện nay, tại xã Phước Lộc, người dân không chỉ khai thác mật ong trong rừng tự nhiên mà còn nuôi ong rừng theo hình thức tạo chỗ ở tự nhiên cho ong trong các bộng cây rồi tiến hành khai thác mật.
Nâng cao đời sống từ nuôi ong
Dẫn chúng tôi đi thăm những bọng ong chuẩn bị thu hoạch và chia sẻ về nghề nuôi ong trong các bộng cây, anh Hồ Văn Thước (37 tuổi, Trưởng thôn 6, xã Phước Lộc) cho biết, từ tháng 1 âm lịch, người dân sẽ sửa lại những bộng cây để ong về ở và sẽ khai thác mật vào cuối mùa xuân. Gia đình anh Thước hiện có khoảng 30 bộng ong trong khu rừng tự nhiên. Năm 2019, gia đình anh thu khoảng 100 lít mật ong rừng với giá 350 nghìn đồng/lít.
Nuôi ong lấy mật nâng cao đời sống người dân Phước Lộc (Ảnh: TL) |
“Mỗi bộng ong nuôi trong rừng tự nhiên trong một năm thu ít nhất nửa lít mật, nhiều thì cũng được 5 lít. Nghề làm chỗ để nuôi ong trong rừng đang mang lại thu nhập cho người dân địa phương” - anh Thước phấn khởi.
Ông Hồ Văn Yên (một người dân địa phương) cho biết, mỗi gia đình trong thôn thường có từ 20 - 30 bọng ong, riêng gia đình ông có đến gần 80 bọng. Theo ước tính, cả thôn hiện có khoảng 500 bọng, trung bình mỗi bọng cho từ 2 - 7 lít mật trong một mùa.
Còn chị Hồ Thị Ba (một người dân thôn 6) khẳng định: “Nhờ được những con ong rừng hút mật hoa, lại không bị dính nước mưa như mật ong treo nên chất lượng mật ở đây rất tốt. Ở xứ rừng núi này không có gì ngoài đặc sản mật ong, trong thôn nhà nào cũng có mật ong dự trữ. Từ khi nghề này phát triển, đời sống người dân ở đây khấm khá hơn trước rất nhiều”.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Lộc, việc tạo bọng, nhử ong rừng để lấy mật là một nghề khá độc đáo, cần được phát huy để tạo thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, để tăng sản lượng mật ong vẫn cần những biện pháp tích cực hơn nữa để nâng cao thu nhập đồng bào.
Liên kết chuỗi
Theo tìm hiểu, anh Thước đã cùng 6 hộ dân cùng thôn tham gia thành lập THT sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ xã Phước Lộc thực hiện dự án “Nuôi ong rừng tự nhiên liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” của UBND xã Phước Lộc.
Mật ong Phước Lộc được công nhận sản phẩm OCOP (Ảnh: TL) |
Tổng kinh phí thực hiện dự án “Nuôi ong rừng tự nhiên liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” trên 800 triệu đồng và được triển khai trong 3 năm (2019 - 2021).
Theo đó, anh Thước đã được hỗ trợ 10 thùng để di thực ong nuôi trong một số bộng cây trong rừng về nuôi dưới tán rừng gần khu dân cư. Nếu dự án thành công thì không những anh mà nhiều hộ nuôi ong khác ở Phước Lộc sẽ tự tái đàn ong, tăng sản lượng mật ong rừng mỗi năm.
Ông Tân Tấn Thành - cán bộ địa chính, xây dựng, nông nghiệp xã Phước Lộc cho biết, mật ong Phước Lộc từ lâu đã được nhiều người biết đến là mật ong rừng tự nhiên. Đặc biệt, cuối năm 2019, mật ong rừng Phước Lộc được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) nên có giá trị hơn.
“Bước đầu chúng tôi cùng người dân sẽ di thực ong rừng tự nhiên trong các bộng cây về nuôi dưới tán rừng tự nhiên gần khu dân cư nhằm giúp người dân rút ngắn được khoảng cách đi vào rừng lấy ong, đồng thời tăng sản lượng mật ong mỗi năm. Đồng thời về lâu dài sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động” - ông Thành nói.
Hiện nay, địa phương đang tiến hành đưa ong rừng về nuôi trong các thùng đặt dưới tán rừng. Việc hình thành chuỗi liên kết nuôi dưỡng, chăm sóc và khai thác mật ong trên địa bàn xã sẽ giúp các hộ nuôi ong có điều kiện tiếp nhận kỹ thuật nuôi, phát huy hiệu quả nghề truyền thống, góp phần tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhật Nam