Rau lủi là giống rau rừng tự nhiên, thân cây có sắc tím, lá hình răng cưa, ăn giòn, ngon, vị mùi thuốc bắc đặc trưng, cảm giác lạ miệng được người tiêu dùng ưa thích. Ở Phước Sơn, một số người dân đã phát triển kinh tế nhờ vào cây rau lủi.
Cây "giảm nghèo"
Chúng tôi đến thăm vườn rau của gia đình ông Dương Hà (54 tuổi) tại thị trấn Khâm Đức. Ông Hà cho biết, tháng 8/2019, ông tận dụng mảnh đất vườn rộng gần 1 sào để trồng rau lủi. Sau 2 tháng trồng và chăm bón, rau lủi bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tuần ông cắt bán một lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 25kg rau lủi với giá bán trung bình từ 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Người dân Phước Sơn nâng cao đời sống từ trồng rau lủi (Ảnh: TL) |
Là một trong những người tiên phong trồng rau lủi để bán, ông Hồ Văn Nóc, trú thôn 1 (xã Phước Năng) chia sẻ: "Loại rau này rất dễ trồng, chỉ cần cắm xuống đất thì nó tự khắc sống, mọc nhánh bò lan ra, không cần phải tưới nhiều nước, lâu lâu chỉ cần dọn cỏ. Cứ 3 - 5 ngày là thu hoạch rau lủi một lần, mỗi lần 40 - 50kg, với giá bán 12.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình tôi thu về từ 5 - 7 triệu đồng tiền bán rau".
Cũng là một trong những hộ đưa cây rau lủi về trồng thành công trong vườn nhà, chị Hồ Thị Túy (thị trấn Khâm Đức) chia sẻ, cây rau lủi trồng tại vườn phát triển tốt, năng suất cao, dễ chăm sóc hơn, không tốn thời gian đi lại nhiều.
“Ban đầu cứ nghĩ mang về trồng thử nghiệm, nhưng sau đó thấy cây rau phát triển to hơn ở rừng, trồng khoảng 1 - 1,5 tháng có thể thu hoạch. Hiện nay, thương lái thu mua khoảng 10.000 đồng/kg và thu mua tập trung”, chị Túy phấn khởi nói.
Theo ông Hồ Văn Rô - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Năng, hiện xã có hơn 30 hộ dân trồng rau lủi, hiệu quả cao hơn cả trồng lúa, giúp bà con không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo ra được thương hiệu rau rừng của địa phương
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng, những năm qua, Hội Nông dân huyện Phước Sơn đã tổ chức trồng thử nghiệm rau lủi tại khu vực rừng 48 (xã Phước Năng) với nhiều hộ dân tham gia. Rau lủi phát triển tốt, đem lại thu nhập cao nên nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Liên kết sản xuất theo chuỗi
Sau khi thành công với sản phẩm rau lủi trồng, thông qua Hội Nông dân huyện Phước Sơn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chủ động liên kết, bao tiêu sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, vì cây rau lủi được trồng ở khu vực rừng 48 nên phải mất hơn 30 phút mới đến được địa điểm để hái.
So với trồng trên rừng, trồng rau lủi tại vườn nhà đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn (Ảnh: TL) |
Năm 2019, xã Phước Xuân đã thành lập THT Nước Lang chuyên trồng cây rau lủi với 11 thành viên liên kết sản xuất trồng rau lủi trên diện tích 2,3ha.
Theo ông Hồ Văn Thừa (thị trấn Khâm Đức) - Tổ trưởng THT Nước Lang, rau lủi được trồng trên khu vực đất rẫy phát triển rất tốt. Ông cũng là đầu mối đứng ra thu mua toàn bộ rau lủi trong THT và của người dân tại địa phương.
“Rau lủi Phước Sơn đã thành đặc sản nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều nhà hàng ở một số thành phố đặt mua nên có khi không đủ rau để cung ứng”, ông Thừa cho biết thêm.
Là thành viên của THT trồng rau lủi, sau khi trồng thành công rau lủi ở vườn cho thu nhập cao, anh Hồ Văn Thừa (SN 1994) đã tiếp tục thuê mảnh vườn 1.000m2 tại khối 1 (thị trấn Khâm Đức) và đầu tư hệ thống tưới nước để trồng nhằm phát triển mô hình hơn nữa.
“Hiện nay, xã Phước Năng có hơn 5ha đất trồng rau lủi. Trước đây, người dân trồng nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm, bây giờ tập hợp lại trồng một cách bài bản để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó, dân làng có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống thay đổi”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Văn Rô cho hay.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ củng cố THT để giúp sản xuất ổn định. Đồng thời, vận động người dân sản xuất rau lủi theo hướng phát triển rau sạch để phát triển thương hiệu bền vững.
Nhật Nam