Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 12/2021 các xã trên toàn huyện Chi Lăng đạt bình quân 14,50 tiêu chí, tăng 1,2 tiêu chí so với đầu năm 2021, trong đó xã Quan Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, xã Bằng Mạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vượt khó để về đích
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022, huyện tiếp tục xây dựng xã Thượng Cường đạt chuẩn nông thôn mới, xã Chi Lăng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại lựa chọn 1 thôn điểm để tập trung chỉ đạo, các xã trong lộ trình phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025, đăng ký thực hiện đạt từ 2 tiêu chí trở lên, phấn đấu các xã trên toàn huyện đạt bình quân 15,6 tiêu chí nông thôn mới; duy trì và nâng cao các tiêu chí các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Các HTX có vai trò kết nối quan trọng trong tạo chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn huyện Chi Lăng (Ảnh: Int) |
Báo cáo tại buổi kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới hồi tháng 9 vừa qua cho thấy, theo kết quả rà soát bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến nay bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Chi Lăng đạt 10,5 tiêu chí.
Đối với xã Thượng Cường - xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, đến nay đã đạt 12/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông; điện; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; hộ nghèo; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm. Đối với xã Chi Lăng - xã điểm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, đến nay đạt 2/4 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, cả 2 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu đang khẩn trương triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đạt.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2022; tổ chức rà soát đánh giá lại các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới và hoàn thiện các tiêu chí đã đạt. Huyện Chi Lăng tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực vào cuộc, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để sớm đưa xã Thượng Cường đạt chuẩn nông thôn mới, xã Chi Lăng đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới thời gian tới, huyện Chi Lăng đặc biệt quan tâm đến vai trò của kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác. Theo đó, các mô hình HTX điểm hoạt động hiệu quả sẽ tạo tác động lan tỏa đến người nông dân trong vùng, góp phần thay đổi tư duy của bà con, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn với quy chuẩn, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, sản phẩm OCOP được gắn sao... Từ đó, nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác
Ngày 6/10, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022. Trong đó, sản phẩm na Chi Lăng (huyện Chi Lăng) được nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Chi Lăng hiện có 35 HTX nông nghiệp, các HTX này đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất HTX - nhà nông. Ngoài ra, một số HTX đã liên kết sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng đem lại hiệu quả cao như: HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ thương phẩm với công ty của Nhật Bản; HTX Nông sản huyện Chi Lăng liên kết sản xuất tiêu thụ na, ớt cho người dân; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc liên kết với Công ty Đại Nguyễn, CTCP Ngân Sơn sản xuất, tiêu thụ khoai lang, khoai tây, thuốc lá… Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của các HTX đạt trên 14,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 3 - 8 triệu đồng/tháng.
Điển hình như HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (thị trấn Đồng Mỏ). Lãnh đạo HTX cho biết, HTX được thành lập vào năm 2017 với 27 hộ thành viên HTX, liên kết với và 148 hội viên sản xuất na, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có khoảng 70ha na.
Sau khi thành lập HTX, các thành viên đã tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, mẫu mã quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Riêng vụ na năm 2021, HTX thu được trên 200 tấn quả, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2018), thu nhập của hộ thành viên cũng đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Trong công tác kết nối tạo chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng không thể không nhắc tới HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc, xã Bằng Mạc. Theo đó, HTX được thành lập vào năm 2020 để liên kết 8 hộ tham gia sản xuất thuốc lá cung ứng sản phẩm cho CTCP Ngân Sơn.
“Trước đây, nếu chỉ sản xuất đơn lẻ hộ gia đình, sản lượng ít, công ty khó thu mua, chủ yếu là bán cho tư thương nên không ổn định. Nhờ liên kết sản xuất, hiện nay, chúng tôi đã đáp ứng đủ số lượng sản phẩm và không lo thiếu đầu ra nữa mà còn mở rộng liên kết sản xuất thêm các sản phẩm khác như: khoai tây, lạc…”, Giám đốc HTX Hoàng Văn Chính chia sẻ.
Lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai các giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, tạo điều kiện cho HTX hình thành và liên kết sản xuất để phát triển. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tư vấn, tập huấn, củng cố tổ chức, hoạt động kinh tế tập thể, HTX. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 122 lớp tập huấn cho người dân, thành viên HTX tham gia, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất.
Đồng thời, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện cũng tổ chức 30 lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, điều hành HTX, trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lập phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất.
Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 (nay là Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08) để hỗ trợ người dân và các HTX trên địa bàn có cơ hội phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 4 mô hình điểm HTX sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ 10 HTX thành lập mới (mỗi HTX được hỗ trợ 20 triệu đồng) để xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 7 HTX đưa trí thức trẻ về làm việc có thời hạn nhằm nâng cao năng lực hoạt động trong HTX.
Đặc biệt, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, một số HTX trên địa bàn đã chủ động phát huy lợi thế, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết giữa các đơn vị để sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động, là tiền đề để hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Đức