Những vùng đất bạc màu, cằn cỗi, chỉ trồng lúa 2 vụ tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nay được phủ xanh, cho thu nhập cao khi người dân chuyển sang trồng cây dược liệu kim tiền thảo theo hướng hữu cơ. Kim tiền thảo được đánh giá có năng suất, thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa.
“Sống khỏe” với cây dược liệu
Bà Nguyễn Thị Văn, đại diện HTX sản xuất an toàn và Dịch vụ thương phẩm xã Cẩm Vịnh cho hay dự án trồng cây dược liệu bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2015 tại một số xã ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà.
Trong đó, nổi bật có mô hình liên kết giữa xã Cẩm Vịnh với công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh, với cầu nối là HTX. Sau 7 năm chuyển đổi, hiện nay cây kim tiền thảo trở thành một trong những giống cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, đặc biệt toàn bộ được trồng theo phương thức không phun thuốc hóa học.
“Trồng lúa mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ bình quân đạt 2,5 tạ lúa/sào, thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, chưa trừ chi phí đầu tư đã khoảng 1 triệu đồng/sào. Còn trồng cây dược liệu, mỗi sào bình quân đã cho thu nhập từ 9-10 triệu đồng/sào/vụ”, vị đại diện HTX Cẩm Vịnh nói.
Tương tự, nhiều người dân ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) cũng đang liên kết sản xuất dược liệu hữu cơ theo mô hình HTX, góp phần bảo tồn và phát triển những cây dược liệu quý, đồng thời hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Dược liệu hữu cơ đang là hướng đi hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương. |
Trong những năm qua, dựa trên thế mạnh của địa phương, Tây Giang đã hình thành, phát triển không ít HTX dược liệu hoạt động hiệu quả theo hướng bền vững. Tiêu biểu là HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng), chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết.
Hiện tại, HTX có 13 thành viên, diện tích trồng là 52ha ba kích tím tại các huyện Tây Giang, Quế Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị), Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ngoài các thành viên, HTX còn liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 5 hộ dân trồng chè dây, nâng tổng số hộ liên kết lên thành 25 hộ.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX cho biết tham gia liên kết với HTX phải chịu sự giám sát chặt chẽ, thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây dược liệu theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học.
Ngoài sản xuất hữu cơ, HTX Thiên Bình còn đầu tư máy móc thực hiện chế biến dược liệu theo hướng khép kín. Các bộ phận của dược liệu đều được tận dụng triệt để phục vụ sản xuất ra các sản phẩm khác nhau nên không phát sinh rác thải, lại nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, sản phẩm của HTX đã được doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu phân phối sản phẩm ra thị trường.
Làm sạch để phát triển bền vững
Theo thống kê, từ việc phát triển trồng các loại dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Các HTX, tổ hợp tác dược liệu đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo hướng hữu cơ. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo nhu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của con người.
Đặc biệt, các mô hình này đã thực sự làm thay đổi một phần tư duy và cách nghĩ của người dân, tạo sự chuyển biến cách làm trong việc trồng trọt và chăm sóc cây dược liệu trên vùng đất Tây Giang.
Có thể thấy, canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu (thảo dược) hữu cơ ngày càng tăng và dần trở thành xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền. Dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Chính vì vậy, dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
Hiện, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.
Những yếu tố từ thực tế cho thấy, đây là một trong những cơ hội lớn cho các HTX sản xuất dược liệu tại Việt Nam. Điều quan trọng là các HTX cần phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi tư duy sản xuất, đồng thời nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn về vốn, chính sách, đất đai… từ các cơ quan chức năng và địa phương.
Lệ Chi