Ông Vũ Nam Tiến, giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình đánh giá, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm dược liệu có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nấm. Diện tích và sản lượng nấm dược liệu liên tục tăng và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng.
Cây triển vọng làm giàu
Ông Phạm Văn Chuyền, Chủ tịch HĐQT HTX nấm và dược liệu Khánh Công, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh chia sẻ, nhận thấy, nhiều loại nấm dược liệu của bà con sản xuất ra khó bán, khi bán được lại bị ép giá nên ông Chuyền đã đứng lên tuyên truyền vận động nhân dân địa phương thành lập HTX vào cuối năm 2017.
Ninh Bình đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm dược liệu có hiệu quả, mang lại cuộc sống ổn định cho thành viên. |
HTX được thành lập với mục đích giúp nhân dân địa phương tiêu thụ các nông sản do họ sản xuất ra, tăng thu nhập cho người sản xuất, giúp đỡ nhiều hộ thành viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, HTX nấm và dược liệu Khánh Công có 29 thành viên. Diện tích trồng cây dược liệu của HTX là 14,5ha. Nhà xưởng trồng nấm là 4.000m2, với các máy móc công nghệ cao như: hệ thống tưới thông minh, hệ thống chiếu sáng, máy nghiền nguyên liệu, máy trộn nguyên liệu, lò hấp sấy thanh trùng.
Các loại cây dược liệu của HTX đang sản xuất như: Trạch tả, bạch chỉ, nghệ đỏ, ngưu tất, Huyền sâm, nấm Linh chi… đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nhờ có quy trình sản xuất hiệu quả và chất lượng, cũng như có đầu ra đảm bảo ổn định mà cuộc sống và thu nhập của thành viên HTX nấm và dược liệu Khánh Công ngày càng khấm khá. Thu nhập trung bình hàng tháng của thành viên HTX đạt 6 đến 8 triệu đồng.
“Trồng nấm không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật, lấy khoa học kĩ thuật làm then chốt. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của nấm, tùy từng điều kiện thời tiết điều chỉnh môi trường thích hợp cho cây nấm phát triển”, ông Chuyền nói
Để xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, HTX đã tiến hành đăng ký độc quyền bảo hộ sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền tem nhãn và tem truy xuất nguồn gốc, người dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, an tâm khi sử dụng.
Đặc biệt, HTX còn sản xuất các loại rượu ngâm dược liệu, nổi tiếng có rượu ngâm Đinh lăng với giá bán 1,2 triệu đồng/bình, cho doanh thu trên 4 tỷ đồng. Đây là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và là 1 trong 5 sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam" năm 2021 của tỉnh Ninh Bình.
Đổi đời nhờ dược liệu "cất cánh"
Tại Ninh Bình, các HTX sản xuất nấm dược liệu đều được sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và sản xuất, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Các mô hình trồng nấm dược liệu đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. |
Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, bảo đảm sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…
Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng các mô hình HTX sản xuất loại nấm dược liệu theo hướng hữu cơ, điều này, sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín cho các HTX.
Để phát triển bền vững, các HTX sẽ tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục mở rộng quy mô, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
"Để mở rộng, phát triển nghề trồng nấm dược liệu, tỉnh đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nấm dược liệu như: Tạo điều kiện về mặt bằng đất đai, chính sách vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng lán trại kiên cố, lò hấp, lò sấy, điểm thu mua chế biến, hỗ trợ giống nấm, hỗ trợ kinh phí tập huấn, tham quan mô hình, tạo điều kiện giúp đỡ thành lập tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện và triển khai kế hoạch sản xuất nấm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương mại, tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước hình thành liên kết "4 nhà" trong sản xuất nấm dược liệu”, ông Vũ Nam Tiến cho hay.
Phạm Trang