Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Quy Mông đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất. Trong đó, đao riềng là một trong những cây trồng thế mạnh, có thể quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Cây trồng chủ lực
Đao riềng là loại cây dễ trồng, không kén đất, có thể trồng trên tất cả những diện tích đất đồi, soi bãi. Ngoài ra, trên diện tích cây đao riềng vẫn có thể xen canh thêm 1 vụ ngô hoặc đậu tương. Những năm trước, hầu hết bà con đều sản xuất miến đao bằng công nghệ thủ công dẫn đến năng suất thấp, chất lượng không bảo đảm nên lợi nhuận đem lại cũng rất hạn chế.
Người dân Quy Mông thu hoạch củ đao riềng (Ảnh: Tư liệu) |
Từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển cây đao riềng theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa và tạo nên vùng nguyên liệu lớn; đồng thời thành lập HTX sản xuất miến đao thu mua nguyên liệu cho người dân và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến đao Quy Mông.
Ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: Hiện nay, cây đao riềng đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Quy Mông. Từ giá trị kinh tế mang lại, đao riềng đã giúp cho hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả.
Gia đình ông Trần Văn Sáng, ở thôn Thịnh Bình, xã Quy Mông có 3 sào đao riềng trồng trên đất soi bãi. Đã có gần 40 năm trồng đao riềng, gia đình ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất củ đao luôn đạt ở mức cao.
Nhận thấy trồng đao riềng hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, lại vẫn có thể trồng xen thêm 1 vụ ngô, hiện nay đầu ra khá ổn định nên trong những năm tới, gia đình ông Sáng sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng đao để tăng thêm thu nhập.
Ông Sáng cho biết: “Với 3 sào đao, gia đình tôi thu được gần 8 tấn đao củ, với giá bán từ 700 - 800 đồng/kg củ, sau khi trừ chi phí, vụ thu hoạch đao năm nay, gia đình thu về trên 10 triệu đồng”.
Đóng góp 4 tiêu chí xây dựng NTM
Cũng ở thôn Thịnh Bình, hộ ông Nguyễn Văn Sở trước đây chỉ trồng khoảng 3 sào đao. Thấy được so với trồng lúa và các loại cây hoa màu khác thì giá trị kinh tế của cây đao riềng cao hơn nhiều nên ở vụ này, gia đình ông đã dành 8 sào đất soi bãi màu mỡ ven sông Hồng để trồng đao riềng.
Mỗi ngày, HTX sản xuất từ 60 - 80 kg miến thành phẩm (Ảnh: TL) |
Ông Sở cho biết: “Do thời gian thu hoạch gấp rút để chuẩn bị đất trồng vụ sau nên tranh thủ khi thời tiết tạnh ráo, gia đình tôi cùng với các hộ trong thôn giúp nhau đổi công thu hoạch củ đao. Vụ đao riềng năm nay, gia đình thu trên 20 tấn củ, tương đương giá trị thu nhập hơn 20 triệu đồng. Củ đao của gia đình tôi và các hộ dân thu hoạch đến đâu được HTX và các thương lái thu mua ngay đến đó”.
Năm 2019, xã Quy Mông gieo trồng hơn 40 ha đao riềng với năng suất trung bình gần 60 tấn/ha, sản lượng đao củ của xã ước đạt hơn 2.000 tấn, giá trị gần 7 tỷ đồng. Với vai trò là đầu tàu giúp đỡ nông dân nâng cao giá trị cây đao riềng, HTX Việt Hải Đăng sản xuất trung bình mỗi ngày từ 60 - 80 kg miến thành phẩm.
Chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý nên miến của HTX không chỉ bán cho các cơ quan, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh mà còn xuất bán ra các tỉnh, thành khác. HTX đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại địa phương với mức lương từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày.
Nhờ cây đao riềng, kinh tế xã Quy Mông chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, các hộ dân tích cực tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập. Số hộ nghèo giảm còn 11,55% (năm 2019), thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 33 triệu đồng/năm.
Bộ mặt nông thôn Quy Mông cũng có nhiều khởi sắc khi người dân đã đóng góp gần 65 tỷ đồng vào quá trình xây dựng NTM. Chính cây đao riềng và nỗ lực phát triển sản phẩm miến đao của HTX đã trực tiếp giúp xã hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM gồm: tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất.
Hà Xuyên