Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế hợp tác, trong đó nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nhiều HTX, tổ hợp tác ra đời và đứng vững trong cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, tạo ra những sản phẩm uy tín, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Hiệu quả từ chuyển đổi theo Luật HTX 2012
Có thể nói, từ khi các HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, công tác tổ chức, SXKD đạt hiệu quả rõ rệt.
Đơn cử như HTX Chế biến gỗ Sông Hiến, TP Cao Bằng, từ khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã tập trung đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, xây dựng phương án SXKD phù hợp, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 3 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 138 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đầu người từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hay như HTX Dịch vụ thương mại và Xây dựng nông, lâm nghiệp Hòa Thuận, huyện Phục Hòa được thành lập và hoạt động từ năm 2006, nhưng thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Giám đốc Nông Hồng Việt cho biết, năm 2019, HTX tổ chức thu gom hơn 100 tấn rác thải/tháng, góp phần bảo vệ môi trường cho nhiều xã, quản lý điều hành trạm bơm nước sinh hoạt cho trên 1.000 hộ dân… Nhờ đa dạng hóa lĩnh vực SXKD, HTX tạo việc làm ổn định cho 18 lao động với mức lương bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Vốn điều lệ thành viên đóng góp từ 800 triệu đồng năm 2009 đến nay tăng lên 5 tỷ đồng.
Cơ sở sản xuất gỗ của HTX chế biến gỗ Sông Hiến |
Huyện Phục Hòa hiện có 11 HTX hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, trong đó có 10 HTX hoạt động hiệu quả. Hiện nay, một số HTX đang thực hiện chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012, chuyển đổi phương thức SXKD, đa dạng hóa ngành nghề, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc mới...
Năm 2019, doanh thu bình quân của mỗi HTX trên địa bàn huyện đạt 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 90 người lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 630 tổ hợp tác, 256 HTX, trong đó có 113 HTX thành lập, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Các HTX hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, thu hút 3.460 thành viên tham gia với tổng số vốn điều lệ 472 tỷ đồng. Nhiều HTX đang từng bước xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động của các HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 về cơ bản có những chuyển biến mới, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng phát triển bền vững
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các sở, ngành, UBND TP Cao Bằng và các huyện tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế hợp tác phát triển và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.
Các HTX đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, qua đó nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo |
Liên minh HTX tỉnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX vay vốn, hướng dẫn xây dựng dự án đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động SXKD. Thông qua các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (Quỹ 120), Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn trên 3,721 tỷ đồng đầu tư SXKD.
Đồng thời, tổ chức 4 lớp đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin kết nối cung cầu sản phẩm, xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm… cho 200 học viên là cán bộ và thành viên, người lao động của các HTX; trên 20 lượt HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các HTX thuận lợi hơn trong việc quảng bá hình ảnh, mẫu mã sản phẩm hàng hóa, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng khẳng định, mô hình HTX kiểu mới đã và đang mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, tạo vị thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trên thị trường.
Vì vậy, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến khá tích cực, đặc biệt là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX từng bước đổi mới hình thức hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên. Trong đó, nhiều HTX tìm được hướng phát triển bền vững, là đầu mối quan trọng giúp các loại nông sản như rau sạch, trái cây... của Cao Bằng tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại doanh thu của HTX, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước.
Tiến Mạnh