Để đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, các chương trình hỗ trợ của huyện không chỉ tập trung vào những mô hình truyền thống như trồng su su, chăn nuôi dê núi, mà còn mở rộng sang nhiều loại cây, con mới có giá trị cao hơn.
Điểm sáng giảm nghèo bền vững
Tại xã vùng cao Quyết Chiến, bên cạnh mô hình giảm nghèo bền vững từ rau su su, xã đã chủ động nhân rộng và đa dạng mô hình trồng các loại rau, củ, quả trái vụ, chăn nuôi lươn sinh sản nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Su su đang là một trong những cây giảm nghèo ở Tân Lạc (Ảnh: TL). |
Đại diện UBND xã Quyết Chiến cho biết, những năm qua, xã đã hỗ trợ phân bón để các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới. Riêng trong năm 2019, xã đã hỗ trợ 9,1 tấn phân bón.
Các mô hình sản xuất phát huy hiệu quả đã từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của trên địa bàn xã trong năm 2019 xuống còn 22,68%, bình quân thu nhập đầu người đạt 35 triệu đồng (tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2018). Năm 2020, xã đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu nguời lên mức xấp xỉ 40 triệu đồng.
Những mục tiêu của xã Quyết Chiến là hoàn toàn có cơ sở, bởi không chỉ có các mô hình hộ sản xuất, trên địa bàn xã còn hình thành các HTX, tổ hợp tác hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử như HTX rau an toàn Quyết Chiến.
Với các sản phẩm chính là rau su su, củ cải, bí xanh…, HTX Quyết Chiến đang đem lại thu nhập ổn định cho 53 hộ thành viên, lợi nhuận từ canh tác đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Anh Dũng, một hộ thành viên, đồng thời là kỹ thuật viên cho biết, HTX đang đẩy mạnh phát triển các loại rau trái vụ. Vườn trồng su su của gia đình anh Dũng rộng 1ha, hiện ngày nào cũng cho thu hoạch 4 tạ ngọn, xuất bán cho HTX với giá 5.000 đồng/kg, thu về 2 triệu đồng. Mỗi tháng, riêng tiền bán ngọn su su của gia đình anh đã lên tới 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận vẫn "cất két" 38 - 40 triệu đồng.
Đẩy mạnh hỗ trợ tạo sinh kế
Trong giai đoạn 2019 - 2020, huyện Tân Lạc đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa phương.
Theo thống kê của UBND huyện, tổng kinh phí cho dự án trong 2 năm qua đạt gần 7,9 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 7,3 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 600 triệu đồng.
Tân Lạc sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình nông nghiệp chất lượng cao để giảm nghèo bền vững (Ảnh: TL). |
Riêng trong năm 2019, với tổng kinh phí 3,85 tỷ đồng, xã đã hỗ trợ hộ nghèo trồng 3.100 cây ăn quả, nuôi 45 con trâu, bò giống, thả gần 1,5 tấn cá giống, 3,3 tấn thức ăn chăn nuôi, 113,4 tấn phân bón các loại, 19 máy móc nông nghiệp; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 124 người.
Dự kiến đến hết năm 2020, xã sẽ thực hiện 8 mô hình về chăn nuôi đại gia súc, 4 dự án hỗ trợ trực tiếp máy móc và phân bón để cải tạo vườn tạp.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, xã triển khai hiệu quả dự án trồng cây ăn quả tại xã Vân Sơn, Ngổ Luông với kinh phí thực hiện gần 3,1 tỷ đồng. Hộ nghèo được cấp cây giống, phân bón tổng hợp.
Kết quả của các mô hình giảm nghèo đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 14,75%, giảm 12,71% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng, tăng 13,45 triệu đồng.
Nhật Minh