Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5/8 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Trị, Vĩnh Thành và Lâm Kiết), 3 xã còn lại đạt từ 16-17 tiêu chí trở lên. Với mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, Thạnh Trị đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển kinh tế cho người dân và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn.
Để làm được điều này, mô hình HTX là giải pháp lý tưởng, trong đó mô hình trồng lúa VietGAP của HTX nông nghiệp Bào Cát (thị trấn Hưng Lợi) là một ví dụ điển hình.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
Trước khi đi vào sản xuất, HTX liên kết với ngành chuyên môn thực hiện đánh giá thực trạng canh tác, thu hoạch và phân tích nguy cơ ô nhiễm sản phẩm tại vùng trồng. Đồng thời, HTX đầu tư kho chứa vật tư nông nghiệp, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, điểm pha thuốc tập trung, tủ thuốc y tế, bảo hộ lao động; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng hệ thống tài liệu và hồ sơ theo tiêu chuẩn VietGAP... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so với sản xuất lúa thường gần 2,3 triệu đồng/ha. Thành viên và người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt.
Đến nay, HTX đã có 38,5ha lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo Ban giám đốc HTX, việc thực hiện mô hình đạt chứng nhận VietGAP nhằm thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Qua đó, mở rộng dần diện tích lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, tăng thu nhập cho người canh tác lúa.
Sản xuất lúa VietGAP trên cánh đồng lớn giúp mở rộng đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân. |
Hay như HTX bò thịt ấp Kiết Lập B (xã Lâm Tân) cũng là một điển hình, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Tiền thân từ tổ hợp tác nhưng đến nay, HTX đã thu hút 100 thành viên, thực hiện chăn nuôi hơn 700 con bò thịt theo hình thức nuôi nhốt tập trung thay vì nuôi theo hình thức chăn thả truyền thống. Phân bò được thu gom xử lý qua hầm biogas hoặc ủ thành phân bón cho diện tích cỏ voi nên hạn chế dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhờ làm tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết các thành viên rất yên tâm và phấn khởi. Bình quân mỗi năm, mỗi thành viên xuất bán từ 3 đến 5 con bò thịt hoặc bò giống, nhờ đó mà nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện xây cất nhà mới, khang trang.
Nâng cao đời sống nhân dân
Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Thạnh Trị đã tạo điều kiện cho người dân tham gia mô hình HTX như: hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật; hỗ trợ hồ sơ thành lập HTX, xúc tiến đầu ra…
Nhiều hộ sau khi được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tham gia HTX đã khá giả hơn từ các mô hình sản xuất hiệu quả, nổi bật như các mô hình kết hợp lúa-màu, chăn nuôi và trồng màu, trồng rau trong nhà lưới, nuôi cá thác lác cườm, gà thả vườn như: HTX Trồng màu ấp Xóm Tro 2 (xã Châu Hưng); HTX Trồng lúa ấp Tân Nghĩa (xã Lâm Tân)…
Những mô hình hoạt động hiệu quả là bước đệm để tổ hợp tác dần chuyển sang HTX, HTX phát triển bền vững theo chuỗi giá trị từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tuyến đường liên xã đều được bê tông hóa nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. |
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 19 tiêu chí được đặt ra để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó có 1 tiêu chí là phải xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạnh Trị thời gian qua cho thấy, các mô hình HTX, tổ hợp tác tại địa bàn các xã đã có những đóng góp tích cực, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn là một yếu tố, động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, với phương án quy hoạch cụ thể từng vùng theo thế mạnh và điều kiện sản xuất của từng địa phương, tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ cho bà con, nên những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, có những xã tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2%. Nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương đã được hình thành như: khô trâu, gạo Tài nguyên, mắm cá lóc đồng… Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thạnh Trị, bởi mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống người dân.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân, tổ hợp tác, HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vận động, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Cán bộ, hội viên hội nông dân tích cực tham gia các đề án phát triển nông nghiệp của huyện, của tỉnh nhằm đạt được mục tiêu đưa huyện về đích nông thôn mới vào năm 2025.
Vĩnh Bảo