Rừng ở U Minh Hạ giờ không còn nghèo kiệt nữa. Sau mùa khai thác năm 2016, các thành viên HTX 19/5 đầu tư lên liếp toàn hộ 520 ha để trồng tràm năng suất cao. Đồng thời, việc bảo tồn và duy trì các hoạt động đánh bắt cá, gác kèo ong luôn được quan tâm.
Đặc biệt, sản phẩm mật ong, nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ được tỉnh Cà Mau đánh giá là một sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, thu hút khách tham quan du lịch đến trải nghiệm quy trình gác kèo ong cũng như lấy mật. Đồng thời, từng bước khẳng định thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ của HTX là sản phẩm quà tặng lưu niệm khi du lịch Cà Mau.
500 tấn mật ong mỗi năm
Là đơn vị điển hình về hiệu quả của mô hình kinh tế hợp tác, HTX 19/5 đang tiếp tục duy trì tốt hiệu quả kinh tế rừng, trong đó, mật ong luôn ở top đầu về doanh thu. HTX có 40 thành viên, mỗi năm thu về gần 500 tấn mật ong. Với giá bán dao động từ 270.000 đồng (mùa ong nước) đến 350.000 đồng (mùa ong sớ và ong hạn), trung bình mỗi thành viên có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm.
Nghề gác kèo ong ở đây được phân thời gian theo mùa mật. Thông thường chỉ có 2 mùa nước và mùa hạn, nhưng các thành viên HTX phân ra 3 mùa trong năm. Mùa ong sớ từ tháng 9 đến tháng 11, mùa ong hạn từ cuối tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa ong nước từ tháng 4 đến tháng 8.
Trong đó, mùa ong sớ và mùa ong hạn thì mật ngon nhất trong năm vì mùa này, tràm nở bông, trời ít mưa. Nước mưa trên nhụy bông tràm ít, khi ong lấy mật sẽ cho mật đặc sánh và mùi thơm nồng. Mùa ong nước, do ảnh hưởng của mưa nhiều nên mật ong có phần loãng hơn, khi trữ lâu ngày sẽ có hiện tượng nổi bọt. Nhưng chất lượng mật ong vẫn bảo đảm.
Nhờ làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng nên HTX không chỉ duy trì ổn định sản lượng hàng năm, mà chất lượng mật ong cũng tạo được uy tín trên thị trường.
Anh Nguyễn Văn Vững - Giám đốc HTX 19/5, cho biết mật ong của HTX bảo đảm chất lượng, không pha chế nên từ lâu đã tạo được tiếng vang, có uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mật được bán rộng rãi ở Tp.HCM và ra tận Hà Nội.
Đa số các khách hàng đều đặt số lượng lớn và ít bán lẻ. HTX có 40 thành viên nhưng chỉ 36 người hành nghề gác kèo ong. Gần đây, sản lượng mật có giảm, nhưng bình quân mỗi người cũng thu hoạch được 200 - 250 lít mật.
Mật ong giá cao, vì lợi nhuận nên một số đối tượng đã mua mật ong U Minh về rồi pha tạp chất bán lại kiếm lời, ảnh hưởng uy tín của những người làm nghề chân chính. Tuy nhiên, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi với những người thợ gác kèo chân chính, việc làm đó luôn là điều tối kỵ.
Ông Trần Văn Nhì (Út Nhì) - thành viên HTX, chia sẻ: “Chúng tôi sống bằng nghề gác kèo ong nên phải giữ nghề. Muốn thế, chúng tôi phải giữ được uy tín”.
![]() |
Mỗi năm, HTX thu gần 500 tấn mật ong |
Cách giữ thương hiệu
Ông Út Nhì là một trong những người dày dạn kinh nghiệm nhất ở HTX 19/5 với 41 năm hành nghề gác kèo. Mùa này, ông gác 300 kèo và đã có khoảng trăm ổ ong về đóng.
Ông Út Nhì khẳng định: “41 năm gắn bó với nghề chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc pha loãng mật để thu lợi. Không phải không muốn nhiều lợi nhuận. Nhưng, cái lợi đó phải được khách hàng chấp nhận”.
Các thành viên làm nghề gác kèo ong ở HTX 19/5 không ai nghĩ đến chuyện phải pha chế thêm làm tăng sản lượng mật. Đơn giản, vì các thành viên tồn tại cùng rừng, cùng sản vật rừng nên thương hiệu, uy tín sẽ nuôi sống thế hệ con cháu theo nghề rừng.
“Nghề gác kèo ong ở HTX 19/5 đã vang danh mấy chục năm nay từ khi còn là Tập đoàn Phong Ngạn, Tập đoàn 19/5 và nay là HTX 19/5. Mật từ HTX 19/5 thường cung cấp trực tiếp cho khách hàng hoặc bán cho các cơ quan để làm quà biếu”, anh Vững khẳng định thêm.
Quy chế của HTX trong gác kèo ong, lấy mật rất chặt chẽ. Các thành viên nếu phát hiện có sự gian lận chất lượng mật hay làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng của bầy ong sẽ bị loại ra khỏi HTX. Đồng thời, họ phải chịu phí phạt theo quy ước. “Nhờ vậy mà mấy chục năm nay mật ong ở đây luôn được bảo đảm”, anh Vững thông tin.
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ hiện nay đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp năm 2011. Đây là sản phẩm đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng cho rừng tràm U Minh Hạ.
Với hương vị đặc biệt và nhiều công dụng trong y học, bảo vệ tăng cường sức khỏe con người, mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.
Hoàng Lê