Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi đang phát huy hiệu quả cao tại Thuận Thành (Ảnh Tl) |
Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi
Nhờ sản xuất theo hướng an toàn sinh học đồng thời ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình bà Vũ Thị Đông (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) đang cho lợi nhuận kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu bền vững.
Để bứt lên làm giàu nhờ chăn nuôi, bà Đông đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM vào nhiều công đoạn trong quy trình chăn nuôi, tự tạo nguồn thức ăn có chất lượng.
Đồng thời, sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa và một số thành phần khác để tạo thành đệm lót sinh học cho khu chuồng chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường.
“Nhờ sản xuất sạch, nhà tôi đang phát huy hiệu quả khu trang trại gần 2 ha, gồm ao cá, khu nuôi lợn hơn 100 con, hàng nghìn con gà. Sản phẩm sạch giúp thị trường tiêu thụ luôn ổn định, doanh thu từ trang trại nhà tôi đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm” bà Đông phấn khởi nói.
Là một trong những điểm sáng về chăn nuôi theo chuỗi tại Thuận Thành, HTX sản xuất nông nghiệp Quang Tiến được thành lập năm 2017, hiện có 10 thành viên.
Để phát triển chăn nuôi hiện đạt, HTX đã hoàn thiện hệ thống trang trại quy mô tập trung trên diện tích hơn 240.000m2, được chia thành 3 khu chính gồm: Khu sản xuất lợn siêu nạc theo tiêu chuẩn VietGAP, khu thả cá thương phẩm và khu trồng cây ăn quả, cây dược liệu.
Nhờ sản xuất hiện đại, HTX đang gặt hái nhiều thành công. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 260 tấn thịt lợn thương phẩm, 60 tấn cá… cho doanh thu từ 12 - 13 tỷ đồng.
HTX đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập ổn định, 100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ thuộc diện khá giả, có của ăn của để.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Thuận Thành có 25 trang trại chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín, diện tích chuồng trại 92.410 m2 với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, uống tự động, nuôi thường xuyên 40.750 con lợn, 90.000 con gà đẻ và 34.000 con gà bố mẹ.
Các trang trại áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas phủ bạt và chế phẩm vi sinh. Ngoài ra tại xã Ngũ Thái có 1 trang chại chăn nuôi hữu cơ, diện tích chuồng trại 900m2 nuôi 140 con lợn (100 con lợn thịt, 40 con lợn nái) và 1.000 con gà thịt, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Mô hình chăn nuôi thủy sản đang cho thấy rất nhiều tiềm năng phát triển (Ảnh TL) |
Tiềm năng nuôi trồng thủy sản
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nuôi trồng thủy sản đang cho thấy những tiềm năng rất lớn trên địa bàn huyện Thuận Thành, đặc biệt là khi nông dân liên kết tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nhận thấy tiềm năng nuôi trồng thủy sản khi sông Đuống chảy qua, gia đình anh Nguyễn Đình Việt xã Đình Tổ quyết định đầu tư vốn để phát triển mô hình nuôi cá lồng theo hướng chuyên canh.
Nhờ chú trọng khoa học kỹ thuật, mô hình đang cho giá trị kinh tế cao hơn so với thâm canh trong ao đất 35 – 40%. Hiện, mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh có quy mô lên tới hơn 50 lồng. Cá lồng đang giúp anh Việt bứt lên làm giàu với mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cũng đang khai thác tốt tiềm năng từ dòng sông Đuống, HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền đang bứt lên nhanh chóng, trở thành điểm tựa làm giàu bền vững cho hàng chục hộ thành viên.
Hiện, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đang có 85 lồng nuôi cá trên sông Đuống theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là cá lăng… Bình quân mỗi năm, HTX xuất ra thị trường từ 400 - 600 tấn cá thương phẩm và từ 2 đến 3 triệu con cá giống cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Những thành công của các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị chứng minh các chính sách thúc đẩy của ngành nông nghiệp huyện Thuận Thành đang đi đúng hướng. Nếu tiếp tục được thúc đẩy, các mô hình sẽ ngày càng lớn mạnh, trở thành điểm tựa xóa đói, giảm nghèo, bứt lên làm giàu bền vững cho nông dân.
Nhật Minh