![]() |
Bạch Thông đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả từ chuyển đổi
Quang Thuận là một trong những xã điểm của huyện Bạch Thông trong thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo thống kê, xã đã có hơn 700 ha cây ăn quả các loại, hằng năm đem lại giá trị hơn 40 tỷ đồng, nhiều hộ dân xây dựng được nhà cửa khang trang, kinh tế ngày một ổn định.
Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, một số hộ dân trên địa bàn xã đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn so với quýt bản địa, như cam Đường Canh, cam Vinh, nhãn, thanh long, táo, ổi…
Cùng với đó, nhiều hộ còn chuyển đổi đất trồng lúa, ngô sang trồng cây ăn quả, rau màu mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình như hộ ông Ma Văn Cương trồng cam Đường Canh, mỗi vụ thu về 200 trăm triệu đồng, hay hộ bà Đoàn Thị Phượng ở thôn Nà Lẹng chuyển đổi 1.000m2 đất ruộng sang trồng táo đại cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/vụ…
Giữ vị thế mô hình HTX điểm của tỉnh, HTX Đại Hà (Quang Thuận, Bạch Thông, Bắc Kạn) đang trở thành điểm tựa sản xuất cho thành viên, phát triển kinh tế, xã hội tại tại địa phương.
HTX Đại Hà phát triển hai ngành nghề chính là trồng cây ăn quả và dịch vụ vật tư nông nghiệp. Điểm mạnh của Đại Hà so với nhiều HTX trên địa bàn tỉnh là mô hình sản xuất khép kín, kỹ thuật hiện đại gắn với chuỗi giá trị và được cấp chỉ dẫn địa lý.
Kể từ năm 2017 đến nay, HTX duy trì diện tích cây ăn quả lớn, với quýt Bắc Kạn là cây chủ lực, tổng diện tích trên 30 ha (đã được cấp chỉ dẫn địa lý). HTX cũng tiếp tục cung ứng đầy đủ các dịch vụ về giống cây, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật và tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Anh Cao Mạnh Hà - Giám đốc HTX Đại Hà, cho biết: “Thay đổi lớn nhất so với thời điểm đầu thành lập của HTX là sự mở rộng đáng kể về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ. Mẫu mã, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, giá bán ổn định và giá trị kinh tế được nâng cao”.
Nhờ phương thức sản xuất hiện đại, trong gần 5 năm qua (kể từ năm 2015), HTX luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm năng suất, giá trị sản phẩm ở mức cao. Với 30 ha quýt Bắc Kạn, bình quân mỗi năm, HTX thu về trên 300 tấn quả, đem lại doanh thu 5 - 6 tỷ đồng.
![]() |
Các mô hình điểm đang được nhân rộng, lan tỏa tích cực (Ảnh TL) |
Lan tỏa hiệu quả
Là HTX được UBND huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) lựa chọn đăng ký tham gia thực hiện mô hình Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang đã nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung.
Mục tiêu của HTX là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn xã, trực tiếp là các thành viên HTX, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động.
Chị Lường Thị Giang - người sáng lập HTX Hợp Giang, cho biết: “HTX ra đời vào tháng 1/2018, nhưng công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ năm 2017. Các sáng lập viên HTX bắt đầu với 3.000 bịch nấm Hoàng Đế trồng thí điểm, vừa để tích lũy kinh nghiệm sản xuất an toàn, vừa tìm kiếm các thị trường tiêu thụ”.
Sau hơn một năm với 2 vụ nấm vừa học vừa làm, HTX chính thức được thành lập, mở rộng quy mô sản xuất lên 30.000 bịch nấm (gấp 10 lần thời gian thử nghiệm), tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng, với sự hoàn thiện về quy trình sản xuất, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị… dần được hiện đại hóa.
Nhờ hoạt động hiệu quả, năm 2019, HTX Hợp Giang được hỗ trợ 105 triệu đồng mua thiết bị phục vụ nhà cấy giống theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của HĐND tỉnh Bắc Kạn, tạo thuận lợi để HTX tiếp tục ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đa dạng các sản phẩm nấm.
Có thể thấy các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Bạch Thông với sự đồng hành của hàng loạt HTX đã bước đầu mở ra những triển vọng mới, một số đã có sản phẩm.
Song về lâu dài, để có thể duy trì và nhân rộng về quy mô, tạo ra vùng cây trồng hàng hóa chất lượng cần sự quyết tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và sự nhiệt huyết của các HTX, hộ nông dân.
Nhật Minh