Nhiều nông dân tại Bến Tre đang tích cực chuyển đổi cây trồng để ứng phó với hạn mặn (Ảnh Tư liệu) |
Chuyển đổi cây trồng phù hợp
TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho hay hiện tại những loại cây có tính chịu hạn mặn cao đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện có thể kể đến cây dừa, bưởi da xanh, xoài, nhãn, vú sữa, mít…
Tại huyện Thạnh Phú, cây xoài tứ quý trồng trên vùng đất giồng cát cũng đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay, cây xoài được nông dân quan tâm chăm sóc theo quy trình VietGAP, bao trái, sử dụng phân hữu cơ.
Một trong những điển hình trồng xoài của huyện Thạnh Phú là HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập từ năm 2016 với 149 thành viên, diện tích trồng xoài tứ quý hơn 30 ha, trong đó 16 ha được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Để có được những vùng xoài 4 mùa trĩu quả, thành viên HTX Thạnh Phong đã phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, chú trọng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo hướng xanh, sạch.
Đặc biệt, HTX đang áp dụng kỹ thuật bao túi cho trái xoài, mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái. Theo đó, việc bao trái giúp các hộ trồng xoài hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh hại, từ đó giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ghi nhận, bao túi đúng kỹ thuật, 1ha xoài sẽ cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với phương pháp cũ. Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi 5 - 10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Các cây trồng thích ứng hạn mặn đang phát huy hiệu quả tích cực tại các địa phương tỉnh Bến Tre (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh các chuỗi giá trị
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn bắt tay liên kết trong các HTX, tổ hợp tác để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học – kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra.
Thực tế, kể từ năm 2018 đến nay, với những chính sách thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, huyện Ba Tri đã xây dựng thành công nhiều chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển bền vững cho nông dân.
Có thể kể đến 5 chuỗi giá trị điển hình nhất gồm chuỗi giá trị bò, tôm biển, nghêu, cá khô và rau màu. Điểm đặc biệt ở các chuỗi là vai trò của các HTX, tổ hợp tác (THT) được thể hiện vô cùng rõ nét.
Điển hình như tại huyện Bình Đại, các chuỗi giá trị dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ thích ứng biến đổi khi hậu đang được các địa phương thúc đẩy. Đến nay, toàn huyện có 1.690 ha đất chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Bà Võ Thị Họa My – Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Thuận nhận định, để phát triển bền vững, người trồng dừa tất yếu phải sản xuất hữu cơ. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, HTX luôn chủ động hướng dẫn thành viên, hộ liên kết phát triển mô hình theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ mới.
“Sản xuất hữu cơ giúp sản phẩm của các hộ trồng dừa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 5 - 10% với dừa 1 - 2 năm tuổi. Sau 3 năm, dừa hữu cơ được mua cao hơn 15 - 30%. Khi thị trường rớt giá sâu, dừa vẫn được cam kết thu mua với giá sàn 50.000 đồng/chục”, bà Họa My cho hay.
Rõ ràng sự chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng… đang giúp nhiều nông dân tại Bến Tre phát triển bền vững.
Hưng Nguyên