Hiện nay huyện Ba Vì đã có 100% các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã NTM nâng cao. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, mục tiêu năm nay huyện tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện NTM, phấn đấu có thêm 2-3 xã được công nhận xã NTM nâng cao.
Phát huy những mô hình kinh tế có giá trị
Đối với các xã NTM nâng cao, UBND huyện thường xuyên bám sát, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần. Đến nay, xã Sơn Đà đã đạt 10 tiêu chí, 9 tiêu chí cơ bản đạt; xã Tản Hồng đạt 11 tiêu chí, 9 tiêu chí cơ bản đạt; xã Vạn Thắng 11 tiêu chí đạt, 8 tiêu chí cơ bản đạt. Kế hoạch trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP), tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu đạt 2-4 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó trọng tâm là các xã Sơn Đà, Vạn Thắng, Tản Hồng.
HTX Nam dược Tản Viên Sơn tại xã Ba Vì đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động và liên kết tiêu thụ dược liệu cho 10 gia đình khu vực quanh chân núi Ba Vì. |
Tại Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu. Nơi đây đồng bào dân tộc Dao sống dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì) đã bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam lâu đời đặc biệt tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì làng nghề thuốc nam đang là nghề truyền thống, trở thành kinh tế chủ lực, giúp bà con gia tăng thu nhập, góp phần sớm đưa Ba Vì trở thành huyện NTM.
Theo ông Lăng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Ba Vì: người Dao có kinh nghiệm cha truyền con nối với nghề làm thuốc. Hiện, cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật HTX. Chuẩn hóa các bài thuốc gia truyền, sản xuất khép kín trên dây chuyền hiện đại chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, HTX Nam dược Tản Viên Sơn tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Đơn vị cũng đã liên kết tiêu thụ dược liệu cho 10 gia đình khu vực quanh chân núi Ba Vì.
Hiện nay, HTX đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nam hiện đại tại thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh) đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). “Chúng tôi chuyển đến vị trí mới để có mặt bằng lớn hơn, đủ điều kiện xây dựng nhà máy quy mô. Đây sẽ là điều kiện tốt hơn để sản xuất, nâng giá trị các bài thuốc Nam của cộng đồng người Dao nơi đây”, Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ.
Bà Lăng Thị Dung ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) cho biết, từ khi cung cấp cho Hợp tác xã, gia đình bà có thu nhập ổn định hơn. Còn với ông Bùi Hữu Minh, thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh), trước đây vườn đồi rộng chỉ trồng keo nay đã chuyển khoảng 1ha sang trồng dược liệu như dành dành, khôi tía… “Mỗi năm, gia đình tôi thu dược liệu 2 vụ, toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã mua hết”, ông Minh cho biết.
Được biết, thời gian tới, HTX Nam dược Tản Viên Sơn sẽ tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội.
Tập trung phát triển kinh tế tập thể
Hiện Ba Vì đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, phát huy những mô hình kinh tế trọng điểm, phấn đấu trở thành huyện NTM trước năm 2025. Theo đó, huyện xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị giúp xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn hoạt động có hiệu quả đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, hình thành liên kết chuỗi từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, điển hình là mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì đã mang lại hiệu quả kinh tế, mỗi một lứa lợn thịt xuất chuồng, HTX thu về khoảng 30 tỷ đồng.
Việc chăn nuôi công nghệ cao đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất truyền thống, đem lại sự đa dạng về chủng loại và tăng chất lượng, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Ngoài ra, còn giảm được chi phí công lao động như tưới nước thủ công, phòng trừ bệnh cho vật nuôi.
Quan trọng hơn, sự thành công của các mô hình HTX với sự liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài đã chứng minh cho mục tiêu chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được sự mở rộng mô hình chăn nuôi trong sự hội nhập nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay toàn huyện Ba Vì có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong đó, kinh tế tập thể cũng đóng vai trò chủ đạo với 108 HTX tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Đây là một lợi thế để các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Mục tiêu năm 2022, huyện Ba Vì phấn đấu có thêm 30 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm. Để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới đây, huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế huyện đẩy mạnh phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; bố trí các điểm trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, giới thiệu các tổ chức, các chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.
Hoàng Hà