Thị xã Ayun Pa đang hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh Gia Lai xem xét, đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2020. Đồng thời, thị xã đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị giúp các xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Chú trọng vai trò kinh tế hợp tác
Trong tiến trình xây dựng NTM, chính quyền thị xã Ayun Pa và các địa phương xác định khu vực kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng đóng góp vào việc hoàn thành các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Chính vì vậy, các mô hình liên kết sản xuất của các tổ hợp tác, HTX được khuyến khích, hỗ trợ phát triển, từ đó tạo sức lan tỏa thay đổi cách thức canh tác của bà con các dân tộc, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Khu vực kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng đóng góp vào việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. |
Lúa nước là một trong những cây trồng chủ lực của thị xã Ayun Pa, với diện tích trung bình hơn 1.200 ha mỗi vụ. Vụ mùa những năm trước, nông dân Ayun Pa chủ yếu gieo sạ các giống lúa truyền thống như: Ma Lâm 48, OMO4900, TH6, MT10. Đây là những giống lúa có năng suất trung bình, khả năng chống chịu sâu bệnh, chống ngã đổ tốt, hạn chế được thiệt hại trong mùa mưa bão.
Bắt đầu từ vụ mùa năm 2019, thị xã Ayun Pa đã đưa giống lúa Đài Thơm 8 vào sản xuất tại 2 cánh đồng của HTX Nông nghiệp Minh Hòa và HTX Nông nghiệp Phú Lợi với tổng diện tích 26 ha (mỗi HTX 13 ha). Tổng cộng có 120 nông dân ở 4 phường: Sông Bờ, Đoàn Kết, Hòa Bình và Cheo Reo tham gia sản xuất giống lúa này theo mô hình cánh đồng lớn một giống.
Giống lúa Đài Thơm 8 trước đó đã được trồng thử nghiệm tại HTX Phú Lợi. Qua thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa này có nhiều ưu điểm nổi trội như: thời gian sinh trưởng ngắn (95 ngày), sức kháng sâu bệnh cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho năng suất cao (8-9 tạ lúa khô/sào). Hạt gạo Đài Thơm 8 rất dẻo, thơm ngon, giá trị vượt hẳn các loại gạo khác và được thị trường ưa chuộng...
Để thực hiện mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng này, thị xã Ayun Pa đã trích ngân sách gần 190 triệu đồng mua 3.380 kg giống lúa xác nhận Đài Thơm 8 và 11.700 kg phân bón các loại cấp cho 120 hộ nông dân tham gia. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân; cử cán bộ bám sát ruộng đồng, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa trong suốt vụ mùa.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho biết: “Do đặc thù thị xã Ayun Pa có diện tích trồng lúa ít, các hộ dân không có điều kiện tích tụ nhiều ruộng đất nên chúng tôi trăn trở làm sao để giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất, có được thu nhập cao dù diện tích canh tác nhỏ. Thị xã thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao Đài Thơm 8 trước hết vì đây là giống lúa có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và chống chịu sâu bệnh, chống ngã đổ trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó là thay thế bộ giống lâu nay đã thoái hóa, giảm năng suất để nâng cao thu nhập cho bà con vì giống lúa Đài Thơm 8 cho năng suất cao, cho hạt cơm thơm ngon, bán được giá cao hơn các loại lúa khác từ 1.000 - 2.000 đồng/kg”.
Đồng lòng chung sức hướng tới mục tiêu mới
“5 năm qua, bộ mặt nông thôn thị xã Ayun Pa có nhiều thay đổi, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, các công trình đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”, đại diện UBND thị xã Ayun Pa chia sẻ.
Thị xã Ayun Pa đang hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh Gia Lai xem xét, đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới . |
Câu chuyện người dân hiến đất chung sức xây dựng NTM xuất hiện ở nhiều địa phương, nhưng đặc biệt lan tỏa rộng khắp tại xã Ia Rtô. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nên Ia Rtô được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Còn tại xã Ia Rbol, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đặc biệt xem trọng. Bí quyết thành công của xã là làm cho người dân hiểu rõ được 3 lợi ích: cá nhân - tập thể - Nhà nước, đặc biệt là lợi ích của người dân để họ đồng thuận, chung sức và chủ động tham gia xây dựng NTM. Năm 2018, xã Ia Rbol về đích NTM trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ xã đề ra...
Ngoài huy động các nguồn lực từ người dân, thị xã Ayun Pa còn kêu gọi và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung tay giúp đỡ hộ nghèo xã Ia Sao, Chư Băh ổn định về nhà ở; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi nhằm giúp các địa phương này hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2019. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thị ủy vận động mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo giúp các xã đẩy nhanh việc hoàn thành tiêu chí về nhà ở trong xây dựng NTM.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, 4/4 xã của Ayun Pa đã đạt chuẩn NTM. Thị xã phấn đấu năm 2020 có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng thành công 5 làng đạt chuẩn NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hướng dẫn 2 xã còn lại là Ia Sao và Chư Băh thực hiện xã NTM nâng cao, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
“Thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Đồng thời, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Song song đó, phát triển nông thôn theo quy hoạch gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại. Đặc biệt, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, bản sắc văn hóa được bảo tồn, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp”, đại diện UBND thị xã Ayun Pa khẳng định.
Đức Nguyễn