Chỉ cách đây khoảng 4 năm, dù địa phương có thế mạnh phát triển nông - lâm nghiệp và mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai được vài năm nhưng Xuân Thượng vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân được đưa ra là do người dân chưa biết cách làm kinh tế, sản xuất vẫn đi theo lối mòn.
Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch
Sau hàng loạt cuộc họp được tổ chức và nhiều giải pháp được đưa ra, xã đã xác định việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi, đặc biệt phải ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…
Cùng với việc duy trì các loại cây lương thực, thực phẩm truyền thống, thực hiện gối vụ, tăng mật độ canh tác, khai thác, sử dụng đất... Xuân Thượng tập trung phát triển một số cây, con phù hợp với địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đó là phát triển đàn trâu sinh sản (giống trâu ngố đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu) ở bản 3 Vành, bản 4 Là, các bản Thâu với hơn 1.000 con. Bên cạnh đó là phát triển cây sả dược liệu với diện tích 34 ha - 50 ha.
Đặc biệt, việc mở rộng quy mô, chất lượng mô hình nuôi ếch thương phẩm cũng mang lại những hiệu quả khả quan. Đến nay, xã thành lập được HTX nông nghiệp Thanh Sơn thu hút được 40 hộ phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan theo chuỗi giá trị bền vững.
Các hộ thành viên đăng ký dự án nuôi ếch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài bán ếch thương phẩm, HTX còn thực hiện sấy ếch khô để mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị…
Nuôi ếch theo chuỗi giá trị đang giúp người dân Xuân Thượng nâng cao giá trị kinh tế |
“Ếch sau khi mổ sẽ được ướp các gia vị truyền thống của Tây Bắc sau đó đưa vào sấy trong lò không khói, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như độ ngon của sản phẩm”, anh Lương Chí Thanh, Giám đốc HTX cho biết.
Do là sản phẩm mới nên HTX phải mất nhiều công sức đi tiếp thị với các nhà hàng, khách sạn. Sau 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã mở rộng thị trường lên các huyện Sapa, Bắc Hà, Văn Bàn và một số huyện thuộc tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 2 tấn ếch thịt và duy trì 8 - 9 vạn ếch giống. Do nhu cầu của thị trường lớn nên có nhiều thời điểm, ếch sấy hết hàng, nhiều khách đặt phải chờ hàng tháng mới có hàng cung cấp.
Nuôi ếch và chú trọng chế biến giúp mang lại giá trị kinh tế lớn hơn nhiều so với các cây trồng, vật nuôi khác nên ngoài 9 hộ thành viên, rất nhiều hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết nuôi ếch của HTX.
Từ đây, người dân được cung cấp con giống và hướng dẫn cách nuôi ếch. Khi ếch trưởng thành, HTX sẽ tới tận nơi thu mua với giá cao, chỉ chênh lệch một vài giá so với giá bán trên thị trường. Sau một thời gian tham gia HTX chăn nuôi ếch, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua giống với số lượng lớn và dần mở rộng trang trại nuôi ếch sạch vì hiệu quả kinh tế mà vật nuôi này mang lại.
Theo đó, tính trung bình mỗi hộ chỉ cần có 200 m2 ao nuôi, sau một lứa nuôi ếch sẽ cho thu nhập từ 30 - 34 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi từ 20 - 22 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm với 3 lứa ếch sẽ cho thu nhập từ 60 – 66 triệu đồng/200 m2 mặt nước. Ngoài ra, người dân còn có thể kết hợp trồng rau, nuôi thêm ốc nhồi để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nỗ lực về đích nông thôn mới
Theo các cấp chính quyền, nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo hướng liên kết, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã có bước phát triển khá cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giúp xã từng bước hoàn thành tiêu các tiêu chí nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao đời sống của người dân |
Nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 23%, thì năm 2018 giảm xuống còn 18% và hiện nay là 12%. Với phương châm tuyên truyền cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm theo và sự tham gia, vào cuộc cả hệ thống chính trị đến hết năm 2019, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Xuân Thượng đang cố gắng hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng và cố gắng về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng cả người dân và chính quyền xã Xuân Thượng đều nhận thấy rằng nhờ tập trung xây dựng nông thôn mới toàn diện, đến nay, đời sống kinh tế xã hội của địa phương được nâng tầm rõ rệt.
Xã đã có 80% chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 96% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia, Y tế, giáo dục phát triển ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu cho nhân dân được triển khai thực hiện đồng bộ...
Xuân Thượng sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung đi đôi với chuyển đổi sang phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương và nhu cầu thị trường thông qua các mô hình kinh tế hợp tác để phát huy sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế xã hội.
Huyền Trang