Để đạt được hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trên, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Phú Yên đã và đang tham gia tích cực vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh việc đưa cây trồng mới vào sản xuất, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương.
Bạn của nhà nông
Nhờ sự hỗ trợ từ các mô hình HTX tại các địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có thể an tâm canh tác, hỗ trợ người dân giảm các chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng.
Điển hình như tại HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), đại diện HTX cho biết, để tạo thói quen sạ lúa từ 8kg/sào xuống 5kg/sào cho bà con, HTX mất hơn 5 năm để vận động tuyên truyền rồi làm thử nghiệm và nhân rộng diện tích.
Gần đây, theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp cũng như yêu cầu của các đơn vị liên kết, lượng lúa giống sạ giảm xuống chỉ còn 4kg/sào khiến bà con nghi ngại, e dè. Cho tới khi HTX đứng ra cam kết nếu bà con làm đúng kỹ thuật chăm sóc mà sản lượng không đạt, ruộng nào thấp HTX sẽ bù lỗ thì bà con tin tưởng làm theo. Kết quả đạt được là trên 80% cánh đồng của HTX, bà con chỉ gieo sạ 3-4kg lúa giống mỗi sào.
Hoạt động sản xuất tại HTX Nông nghiệp An Nghiệp (Phú Yên). |
Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, sự cam kết của HTX không phải bốc đồng mà có căn cứ trên cơ sở quy trình sản xuất khép kín từ làm đất, gặt, khử lẫn, sấy đến đóng gói. Bởi trong sản xuất lúa giống, HTX bố trí ruộng liền thửa, liền vùng nên thuận tiện canh tác, áp dụng cơ giới hóa cũng như chuyển giao kỹ thuật tập huấn. Bà con sử dụng giống siêu nguyên chủng nên cây sống khỏe, ít sâu bệnh, hạt lúa gieo xuống nhờ thế đảm bảo sinh trưởng phát triển đạt 99%. Năng suất vì thế không giảm mà chất lượng tăng lên, các doanh nghiệp đối tác hài lòng khi thu mua. Mỗi năm từ sản xuất lúa giống, HTX thu về từ 1,5-2 tỉ đồng, nông dân thu lãi cao hơn so với lúa thịt từ 6-7 triệu đồng/ha..
Theo đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện có 80% dịch vụ tại HTX phục vụ sản xuất cho bà con. Nhiều dịch vụ thu không đủ chi nhưng đơn vị vẫn làm bởi đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất. Bà con cần HTX, HTX cũng vì bà con mà tồn tại.
Còn tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, đơn vị đã mạnh dạn đưa cây trồng mới vào sản xuất, các HTX giúp đa dạng cây trồng, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích sản xuất truyền thống. điển hình có mô hình trồng sung Mỹ, lá giang, măng ngọt xen canh với vùng khóm.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din chia sẻ, với cây khóm, HTX hướng dẫn bà con trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, trên vùng khóm 30ha, HTX trồng xen canh lá giang, sung Mỹ. Dọc theo suối Cái chảy ôm trọn vùng khóm thì trồng măng ngọt. "Như vậy, trên một diện tích sản xuất truyền thống, trước chỉ có một sản phẩm là khóm trái thì nay bà con có thể thu hoạch thêm nông sản khác bán cho HTX. HTX có được nguyên liệu sạch chế biến sản phẩm, bà con cũng có thêm nguồn thu ổn định", ông Chương nói.
Đóng góp vào các chương trình mục tiêu
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên (Sở NN-PTNT), cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh tập trung cao nhất ở Chương trình hành động 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (gọi tắt Chương trình hành động 08).
Mối quan hệ giữa HTX với nông nghiệp, nông dân là mối quan hệ gắn bó truyền thống, thì nay lại càng khăng khít hơn khi trở thành đối tác, đối tượng phục vụ của nhau - Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh có Kế hoạch 91/KH-UBND ngày 24/6/2016 triển khai Chương trình hành động 08. Theo đó, đề ra nhiệm vụ củng cố và nâng cao hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể, phát triển mạnh hơn các HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới theo lĩnh vực chuyên ngành, đẩy mạnh liên kết các hộ trong vùng nguyên liệu, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đây chính là cơ sở để HTX tham gia và trở thành một phần quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh. Từ đây, các HTX được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ, điển hình như hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (từ năm 2019-2020 hơn 33 tỉ đồng)… Năng lực hoạt động của các HTX được nâng lên, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả và góp phần hoàn thành các tiêu chí khác như xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập…
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hàng năm, địa phương dành một phần kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ HTX mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ quản lý sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các HTX vươn lên xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương giúp người dân có đầu ra tiêu thụ ổn định.
Duy Thế