Phương thức chăn nuôi hữu cơ giúp mô hình nuôi lợn nâng cao hiệu quả (Ảnh Tư liệu) |
Kinh tế gắn với môi trường
Từ sự đầu tư bài bản trong công tác phòng dịch, xử lý vệ sinh chuồng trại, kể từ năm 2018 đến nay, sau mỗi lứa lợn gia đình anh Trịnh Xuân Toản ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế xuất ra thị trường vài tấn lợn hơi, thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Toản cho biết những năm trước gia đình luôn duy trì khoảng 400 đầu lợn mỗi lứa. Nhưng qua đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, gia đình bị tiêu hủy gần như hết, chỉ còn giữ lại được 30 con nái và duy trì đến nay.
Nhờ có lợn nái sinh sản nên gia đình đã chủ động được lợn giống mà không phải mua với giá đắt. Hiện, trong chuồng của gia đình anh Toản đang có 100 con lợn thịt được khoảng 50 - 60kg, sinh trưởng phát triển tốt.
Từ đầu năm 2020 đến nay, anh Toản xuất bán trên 100 con thịt, trừ chi phí, mỗi con cho lãi 5 - 6 triệu đồng. Giá lợn hơi đang ở mức rất cao nên người chăn nuôi tiếp tục đang có lãi lãi cao.
Đáng chú ý, mô hình của gia đình anh đã giảm sự quá tải khi chất thải xả xuống bể biogas tạo chất đốt, giảm thải ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ.
“Khi chất thải rắn được tách riêng sau đó ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng của gia đình và bán cho những hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tạo thêm nguồn thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”, anh Toản nói.
Chăn nuôi với quy mô lớn hơn, HTX Chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên là cơ sở chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt lợn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Thành lập năm 2016, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn của HTX đã chuẩn hóa theo chuỗi từ chăn nuôi – giết mổ - kinh doanh. Do vậy, các mối nguy mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường đều được kiểm soát và giải quyết hiệu quả.
Chăn nuôi hữu cơ giúp các sản phẩm chăn nuôi tại Yên Thế có chất lượng cao (Ảnh TL) |
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Anh Vũ Tuấn Anh - Giám đốc HTX, cho biết hiện tại, HTX đã xây dựng được chuỗi thịt lợn sinh học khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu tối đa lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Với quy mô 6.500 con lợn, mỗi tháng HTX cung cấp từ 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học.
HTX đang liên kết chặt chẽ với các hội viên Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên, Hội Nông dân huyện và được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.
Không chỉ có chăn nuôi lợn, Yên Thế còn nổi tiếng với thương hiệu gà đồi. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu cho người chăn nuôi, huyện đã có nhiều giải pháp đồng bộ từ chuẩn hóa con giống đến áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ sinh học theo chuỗi giá trị kết hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ông Hoàng Văn Thạch, thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm đang tích cực chăm sóc khoảng 4.000 con gà ri lai theo quy trình an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Lứa gà đầu 2020, ông bán hơn 2.000 con, thu lãi khoảng 70 triệu đồng.
Nhiều hộ dân ở các xã Đồng Kỳ, Tam Tiến, Tiến Thắng, Canh Nậu… nuôi gà ri lai thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường cũng thu lãi 100-200 triệu đồng/lứa/năm.
Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất vườn đồi rộng, thời gian gần đây nhiều hộ dân ở huyện Yên Thế tích cực đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Hộ nuôi ít vài trăm con, hộ nhiều lên đến 5-7 nghìn nghìn con/lứa. Tổng đàn gà toàn huyện luôn duy trì 4-4,5 triệu con.
Nhật Minh