Yên Phụ là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, với tổng diện tích đất canh tác đạt trên 300 ha. Nếp cái hoa vàng là một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng nhất của xã, hiện được chế biến thành các sản phẩm mang thương hiệu riêng như bánh đa nem, rượu nếp cái hoa vàng…
Liên kết sản xuất VietGAP
Theo UBND xã Yên Phụ, hiện toàn xã có hơn 250 ha đất lúa, trong đó lúa nếp chiếm 99% với các giống nếp cái hoa vàng, PD2, BM9603...
![]() |
Nếp cái hoa vàng trở thành thương hiệu nổi tiếng nhờ chất lượng, độ thơm ngon vượt trội (Ảnh TL). |
Để nâng cao giá trị của giống lúa truyền thống, trong gần 10 năm trở lại đây, người dân Yên Phụ trồng lúa nếp cái hoa vàng theo mô hình VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
HTX nông nghiệp Đức Lân đang là đơn vị điển hình, đạt hiệu quả cao trong liên kết canh tác lúa trên địa bàn xã Yên Phụ. HTX đang đảm bảo tiêu thụ cho hơn 100 hộ thành viên trong vùng sản xuất VietGAP, và gần 400 hộ liên kết.
Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Đức Lân, cho biết để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX tiến hành khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để tiện cho cơ giới hóa, ứng dụng kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Nguồn nước tưới được HTX xây dựng kênh mương riêng, dẫn nước sông Cầu vào. Hàng năm, HTX tổ chức hàng chục buổi vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP lúa nếp cái hoa vàng cho các hộ thành viên.
Sau nhiều năm nỗ lực, hầu hết các thành viên HTX đến nay đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng thuần thục quy trình phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM).
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường, phát triển các loại thiên địch để bảo vệ cây lúa.
“Chính việc đảm bảo sản xuất sạch, thân thiện môi trường đã giúp HTX nhanh chóng được cơ quan quản lý công nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ”, Giám đốc HTX Tô Như Khoa khẳng định.
Xây dựng thương hiệu nông sản
Đại diện UBND xã Yên Phụ cho hay nhờ chủ động liên kết, sản xuất sạch, giá trị nếp cái hoa vàng những năm qua luôn đạt trên 110 triệu đồng/ha/năm. Định hướng của xã là sẽ xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Xã Yên Phụ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh (Ảnh TL). |
Bên cạnh nếp cái hoa vàng, các mô hình sản xuất rau màu, cây ăn quả, cây vụ Đông… trên địa bàn xã Yên Phụ cũng đang có những chuyển biến tích cực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Điển hình như mô hình trồng khoai tây hữu cơ, cho thu nhập bình quân xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm.
Sở hữu gần 1 ha trồng khoai tây, ông Nguyễn Văn Tân, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Yên Phụ, cho biết trong 3 năm qua, gia đình ông triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu theo quy trình hữu cơ.
Cụ thể, đất trồng ngay sau vụ thu hoạch lúa khoảng tháng 9 – 10, mặt ruộng còn ẩm, sẽ được dọn sạch, xử lý vi sinh, định hình mép luống, tạo rãnh thoát nước, phủ rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, sau đó tiến hành gieo trồng.
Theo ông Tân, sản xuất hữu cơ giúp năng suất khoai tây tăng 25 – 30%, chất lượng củ vượt trội, giá bán cao, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với gần 1 ha canh tác, vụ khoai năm 2020, ông thu về hơn 90 triệu đồng.
Có thể thấy, sự tham gia của các HTX, Tổ hợp tác đang giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Yên Phụ dần được hoàn thiện, đặc biệt thương hiệu của các sản phẩm thế mạnh ngày càng được nâng lên.
Cùng với sản phẩm nếp cái hoa vàng đã nức tiếng gần xa, các loại nông sản thế mạnh khác của xã như khoai tây hữu cơ, cây ăn quả VietGAP cũng đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, nông dân hoàn thiện hệ thống bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao tính nhận diện cho nông sản. Các HTX, hộ sản xuất cũng sẽ được tạo điều kiện tham gia các hội chợ nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ...
Nhật Minh