Trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp, hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác là một trong những nhân tố quyết định giúp xã Trung Ngãi hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo điều kiện để đưa người nông dân vào các chuỗi liên kết, tiếp cận với phương thức sản xuất mới, an toàn và hiệu quả hơn.
Chú trọng liên kết
HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt Là một trong số những đơn vị đầu tiên thực hiện thành công phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn xã Trung Ngãi.
Liên kết giúp nông dân Trung Ngãi nâng cao hiệu quả sản xuất (Ảnh TL). |
Được thành lập vào năm 2017, với 15 hộ thành viên, HTX hiện đang sản xuất trên tổng diện tích hơn 60 ha và hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ, VietGAP và dịch vụ cấy lúa bằng cơ giới…
Bên cạnh là điểm tựa cho thành viên, HTX đang là cầu nối liên kết với hàng chục hộ nông dân trong và ngoài địa bàn, trên tổng diện tích gần 400 ha. Phần lớn sản phẩm được bao tiêu và bày bán tại các đại lý ở TP.HCM và nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chỉ riêng với sản phẩm trà gạo lứt, bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường hơn 4 tạ, với giá 100.000 đồng/kg cho doanh thu 40 triệu đồng.
Ông Ðoàn Văn Tài, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt, hào hứng cho hay: “Việc liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị được HTX thực hiện chặt chẽ từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của thành viên”.
Đặc biệt, để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Cụ thể, quá trình sản xuất lúa của HTX luôn gắn liền với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại.
“Điều dễ dàng nhận thấy là từ khi tham gia mô hình sản xuất này của HTX, người nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát sang quy mô lớn có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Mô hình cũng giúp nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái”, Giám đốc Đoàn Văn Tài nhấn mạnh.
Hiệu quả rõ rệt
Theo đại diện UBND xã Trung Ngãi, việc hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong đó các HTX đóng vai trò đầu tàu, giúp nông dân trên địa bàn xã khép kín sản xuất từ khâu chọn giống, phân thuốc cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Trung Ngãi sẽ tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại (Ảnh TL). |
Sản xuất trên quy mô lớn cũng giúp xã thu hút các doanh nghiệp liên kết, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao giá bán cho người dân, tạo điều kiện để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.
Không chỉ có lúa, xã Trung Ngãi hiện đang phát triển thành công nhiều vùng sản xuất cây ăn quả (bưởi, chôm chôm, ổi…), rau màu theo hướng hữu cơ, VietGAP, thân thiện môi trường. Hầu hết các mô hình đều có liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra.
Sự hỗ trợ thiết thực của địa phương, cùng sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp giúp giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Trung Ngãi liên tục được nâng lên kể từ năm 2015.
Những thành công trong quá trình đổi mới giúp bộ mặt nông thôn xã không ngừng được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, chính trị ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn khoảng 2%.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục dồn lực để hoàn thiện sản xuất, nhân rộng các mô hình canh tác theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao. Hình thành liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhật Nam