Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Là vùng chuyên canh lúa hàng hóa, từ lâu trong cơ cấu giống của xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh đã có tới 70-90% là các loại lúa chất lượng cao với 100% diện tích đều được làm đất và thu hoạch bằng máy. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường sau thu hoạch nên việc sản xuất lúa chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Khắc phục điều này, bắt đầu từ năm 2016, các hộ nông dân, HTX nông nghiệp và doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần Văn Thúy, Chủ tịch HĐQT HTX Đại Thành, xã Khánh Thành cho biết, khởi đầu, HTX có 35 ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP theo hợp đồng với doanh nghiệp. Nhờ việc sản xuất theo lịch thời vụ tập trung và quy trình khép kín, HTX giảm được đáng kể công sức và chi phí.
Nhờ dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nên HTX Đại Thành đã thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, giảm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất (Ảnh: Phạm Duy) |
“Trung bình, mỗi sào lúa chỉ mất 600-700 nghìn đồng chi phí, tiết kiệm được từ 300-500 nghìn đồng so với trước đây. Chất lượng lúa được đảm bảo, được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình bao tiêu giá cao hơn thị trường 2% nên người dân hết sức phấn khởi”, ông Thuý nói.
Không chỉ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, xã Khánh Thành còn thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây nông sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bắt đầu từ xóm 13 với một nhóm hộ đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích đất vườn, đất lúa ven nhà sang trồng rau, củ, quả...
Đến nay, mô hình này đã lan rộng sang các xóm khác, hình thành nên HTX sản xuất rau sạch Khánh Thành, chuyên cung cấp cho hệ thống siêu thị cũng như các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.
Các mô hình trang trại vừa và nhỏ, mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: lợn siêu nạc, dê, ba ba, cá trê lai…được tích cực triển khai. Đến nay, xã Khánh Thành có 89 mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập bình quân hàng năm đạt 145-255 triệu đồng.
Năm 2013, Khánh Thành là 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với lợi thế của từng xóm cùng sự năng nổ, nhiệt tình của cán bộ; sự chung sức, đồng lòng của người dân… xã chọn 3 xóm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu. Đến cuối năm 2019, cả 3 xóm đều được công nhận. Trên cơ sở làm điểm của 3 xóm, xã đã họp bàn rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng tới 16 xóm còn lại.
Với thu nhập bình quân từ 40 triệu đồng/người/năm 2015, lên 51 triệu đồng/người/năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2019 giảm còn 0,56% (không còn hộ nghèo thiếu thu nhập).
Từ những kết quả đạt được, đến hết tháng 5/2020, 19/19 xóm đã đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến ngày 13/6/2020, xã Khánh Thành long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.
Cảnh quan xanh, sạch, đẹp góp phần vào việc xây dựng NTM bền vững tại huyện Yên Khánh (Ảnh:TL) |
Tái cơ cấu đồng bộ và toàn diện
Những năm qua, huyện Yên Khánh đã tập trung phát triển nông nghiệp ở một số khâu then chốt như thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo ra những cánh đồng lớn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉnh trang lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành xây dựng các mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao; đã có trên 320 mô hình sản xuất có hiệu quả, hàng trăm trang trại, gia trại vừa và nhỏ trong lĩnh vực trồng trọt. Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, dự án liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp được triển khai hiệu quả với diện tích hơn 200 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Nhạc; hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn thóc giống chất lượng cao phục vụ cho sản xuất trong nước.
Cửa hàng trưng bày và bán nông sản an toàn của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (Ảnh:TL) |
Ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh khẳng định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc làm hết sức cần thiết và phải quyết tâm làm, khó đâu gỡ đó. Vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển mô hình hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học và nông dân.
“Nông dân Yên Khánh có trình độ, khả năng tiếp thu KHKT khá tốt nên chỉ cần sự chỉ đạo đúng hướng, tập trung của chính quyền và các cơ quan chức năng là người dân áp dụng tốt vào thực tiễn. Bên cạnh đó, nhà nước đứng ra giúp nông dân quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào và sản phẩm nông sản đầu ra thì các mục tiêu tái cơ cấu sẽ được thực hiện thành công”, ông Đinh Văn Vọng nhấn mạnh.
Đinh Chúc