Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch của người dân tại tỉnh Ninh Bình đã và đang gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, ảnh hưởng đến an toàn trong lao động, hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông và cuộc sống của chính người dân.
Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch còn làm chai cứng đất, giảm khả năng giữ nước, giữ phân bón, tăng chi phí sản xuất…, đặc biệt là lãng phí phụ phẩm nông nghiệp. Vì vậy, việc đưa máy móc vào thu gom rơm rạ là điều hết sức cần thiết.
Hiệu quả thấy rõ
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, bắt đầu từ năm 2019, tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện mô hình "Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao giá trị thu nhập/ha canh tác" nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, ngay trong năm 2019, UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ 5 cá nhân, tổ hợp tác, HTX trong tỉnh mua 6 máy cuộn rơm, mỗi máy được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Đầu tư máy cuộn rơm góp phần xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ tràn lan gây ô nhiễm khói bụi |
Sau khi triển khai, mô hình phát huy hiệu quả rất tốt về mặt kinh tế và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra. Với giá bán dao động từ 2.200 - 2.500 đồng/kg, 1 sào thu gần 1 tạ rơm, người nông dân có thêm thu nhập 220.00 - 250.000 đồng. Việc thu gom rơm rạ đã hạn chế được tình trạng đốt tràn lan những năm trước đây, giúp đồng ruộng sạch sẽ, tạo điều kiện bước vào vụ sản xuất tiếp theo thuận lợi hơn.
Anh Ngô Quang Huy, thành viên HTX Cồn Thoi, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là người đầu tiên được hỗ trợ máy cuộn rơm rạ làm dịch vụ cho biết, trước đây tình trạng đốt rơm rạ diễn ra khá thường xuyên và phổ biến, gây ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Đáng báo động là tình trạng đốt rơm rạ trên những cánh đồng ở khu vực gần đường giao thông, đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ còn gây mất an toàn giao thông đối với các phương tiện qua lại.
Nắm bắt nhu cầu sử dụng rơm rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng và ở tại nhiều tỉnh trong cả nước đã có mô hình máy cuộn rơm phát huy hiệu quả cao, năm 2019, anh Huy quyết định mua 2 máy cuộn rơm để đưa vào vận hành ngay trong vụ thu hoạch lúa mùa.
Anh Huy cho biết, cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản, có thể thu gom ở trên những chân ruộng sình lầy và nhiều địa hình khác nhau. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi sào, máy chỉ chạy 4 - 5 phút cho thu hoạch 6 - 8 cuộn rơm nặng khoảng 12 - 15kg/cuộn. Toàn bộ rơm sau khi cuộn lại được xuất bán trực tiếp cho Công ty bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần bò thịt, sữa Yên Phú và một số hộ sản xuất nấm khác trên địa bàn tỉnh.
Trong vụ đầu tiên, anh Huy tiến hành thu rơm trên địa bàn huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô và vụ đông xuân 2020 vừa qua tiếp tục mở rộng sang tỉnh Thanh Hóa. Doanh thu mỗi vụ ước đạt từ 500 - 600 triệu đồng.
Thay đổi thói quen của nông dân
Nhận thấy các máy cuộn rơm đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả rõ rệt, năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục phê duyệt chương trình hỗ trợ nông dân mua máy cuộn rơm, nâng tổng số máy được hỗ trợ trên toàn tỉnh lên 20 máy. Trong đó, huyện Yên Khánh được hỗ trợ 11 máy, huyện Kim Sơn 4 máy, huyện Yên Mô 2 máy, huyện Gia Viễn 2 máy và huyện Hoa Lư 1 máy.
Máy thu gom rơm rạ mang lại lợi ích cho cả hai bên và cho môi trường sinh thái |
Trong vụ đông xuân 2020 vừa qua, các HTX, tổ hợp tác, hộ dân có máy cuộn rơm của tỉnh Ninh Bình đã mở rộng địa bàn hoạt động trên khắp các địa phương trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam.
Để tránh tình trạng người dân đốt rơm khi máy chưa kịp thu gom, các chủ máy đã chủ động làm việc và thỏa thuận với UBND xã, thị trấn vận động người dân hợp tác, thay đổi thói quen không có lợi.
Bên cạnh đó, các hộ dân, HTX, tổ hợp tác tham gia mô hình đã hình thành mối liên kết trong việc thu gom rơm rạ bằng việc ký kết hợp đồng thu gom và tiêu thụ rơm với các công ty, hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Rơm rạ sau thu gom được vận chuyển và nhập cho các trang trại chăn nuôi bò sữa của các thương hiệu lớn như TH True Milk, Mộc Châu, Vinamilk.... để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cung ứng cho các hộ làm nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng, làm đệm lót bảo quản một số mặt hàng nông sản, sản phẩm dễ vỡ, dễ bị hư hỏng do vận chuyển...
Qua 2 vụ sản xuất cho thấy mô hình đã phát huy hiệu quả tốt, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch giảm hẳn, nhiều địa phương không còn khói bụi như trước đây; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác tăng lên đáng kể.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thu gom rơm rạ, các cấp, ngành của tỉnh Ninh Bình đề nghị các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tuyên truyền, vận động để bà con nông dân thay đổi thói quen, tạo điều kiện cho các chủ máy hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác trong sản xuất nông nghiệp.
Phạm Duy