Lộc Ninh có gần 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 16,8%); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện. Chính vì vậy, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ được huyện coi trọng hàng đầu.
Xây dựng mô hình điểm để tạo sức lan tỏa
Lộc Ninh là huyện có lợi thế lớn như: quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra thiên tai nên thích hợp phát triển nông nghiệp. Để mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân giảm nghèo, huyện định hướng người dân tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa.
Một trong những điểm mạnh của huyện là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhằm giúp người dân giảm nghèo và có kinh tế ổn định từ chăn nuôi, huyện đã cùng các xã tích cực vận động người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Đây là điều kiện cần thiết nhằm phát triển các chuỗi liên kết bền vững.
Trong đó, việc xây dựng các mô hình điểm để giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất và tạo tính lan tỏa được huyện hết sức chú trọng. Đến nay, Lộc Ninh đã có những HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, chung tay cùng các địa phương giảm nghèo.
Tiêu biểu là HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp (xã Lộc Hiệp) có 47 thành viên với vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng. Số lượng đàn dê 1.500 con đang giúp tạo thu nhập ổn định cho các thành viên ở mức trung bình 80 triệu đồng/năm/thành viên.
Phát huy thế mạnh chăn nuôi dê giúp người dân ổn định cuộc sống |
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ thành viên về kỹ thuật chăn nuôi, phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Lộc Ninh tổ chức những lớp tập huấn cho thành viên.
Bên cạnh việc hỗ trợ bà con về kỹ thuật, con giống, phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin, HTX đã lập website để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh thương hiệu dê Lộc Hiệp. Một số thành viên kinh tế khó khăn còn được HTX hỗ trợ giống.
Sản phẩm của HTX tập trung vào dê thương phẩm và dê giống. Do kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hiện đại như đeo khuyên tai, gắn thẻ cho dê để có hồ sơ theo dõi, nên thuận tiện cho việc chăm sóc và phân biệt giống.
HTX Lộc Hiệp được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của huyện, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả. Hiện, các thành viên đều có kinh tế khá giả. HTX cũng hỗ trợ và động viên những hộ nuôi dê trên địa bàn cùng nhau liên kết để mở rộng chuỗi giá trị.
Theo chính quyền huyện Lộc Ninh, huyện đã xây dựng được một số mô hình HTX kiểu mới góp phần tạo chuỗi giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực đồng thời góp phần phát triển các mô hình chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 139 trang trại, mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao
Nắm bắt được định hướng của huyện trong việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại, không ít HTX đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao, mở hướng làm giàu chính đáng cho các thành viên.
Tiêu biểu là HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Chí (xã Lộc Thuận). Với tổng diện tích 15 ha hồ tiêu, tất cả các thành viên đều áp dụng chung một quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học để tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường. Hiện, các thành viên đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân đến tận gốc cây giúp bảo đảm chất lượng đi đôi với tiết kiệm công lao động và thời gian.
Nhờ đó mà hạt tiêu của các thành viên được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg. Ngoài ưu đãi giá cao, Công ty còn tặng thêm 3.000 đồng/kg nếu sản phẩm hạt tiêu của thành viên HTX đều đạt chuẩn loại A. Vì vậy, mỗi thành viên có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ tham gia chuỗi sản xuất hồ tiêu hữu cơ.
HTX Quyết Chí là mô hình tiêu biểu của Bình Phước sản xuất theo hướng công nghệ cao |
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 HTX tiêu sạch, 3 HTX chăn nuôi sạch. Các HTX này đều chú trọng sản xuất theo hướng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhằm hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, các cơ quan hữu quan của huyện Lộc Ninh đang tập trung kết nối cung - cầu, đầu tư hệ thống tưới nước, phân bón để tiếp sức cho người dân tạo ra nông sản sạch. Đó cũng là bước đệm để nông nghiệp công nghệ cao của huyện tiếp tục phát triển.
Hiệu quả từ các mô hình sản xuất cũng như các chính sách đã giúp huyện đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Theo đó, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của Lộc Ninh giảm xuống còn 5,07%.
Mục tiêu của huyện là tiếp tục phát triển các thế mạnh nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao thông qua các chuỗi giá trị nhằm hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5% (bình quân giảm 0,5 - 0,7%/năm). Riêng các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% giảm ít nhất 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,5 - 2%/năm, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Huyền Trang