Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian tới là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đã rốt ráo chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng khẩn trương xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch Yên Bái trong giai đoạn mới - hướng đến du lịch sẽ trở thành ngành “kinh tế xanh” trong tương lai gần.
Hồ Thác Bà đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn khi đến tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Miền |
Nhiều chính sách cho phát triển du lịch
Theo đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, đề án về phát triển du lịch như: Xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20230”; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2021, đồng thời ban hành Hướng dẫn số 03/HD-UBND để hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch tại Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh. Cùng với đó, tỉnh còn ban hành các Đề án, các tiêu chí chuẩn hóa mô hình du lịch cộng đồng và hướng dẫn xây dựng các mô hình theo các tiêu chí đã xây dựng...
Đó là, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Yên Bái theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và Hướng dẫn số 03/HD-UBND của UBND tỉnh để hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch tại Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh.
Cụ thể, nhóm các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; Nhóm các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch... Những chính sách này đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, là đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ gia đình trong và ngoài tỉnh đầu tư, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái đảm bảo xanh, bản sắc và hấp dẫn, tạo đà phát triển kinh tế -xã hội bền vững.
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch, cụ thể: Hỗ trợ việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký được hỗ trợ có cam kết thực hiện hoạt động du lịch tối thiểu 5 năm sau khi được nhận hỗ trợ, với cơ chế và chính sách hỗ trợ được thực hiện theo Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh...
Cùng với đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của Yên Bái phục vụ khách du lịch. Tính đến thời điểm hiện tại Yên Bái có 83 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao (riêng năm 2020 gần 80% sản phẩm OCOP của tỉnh là của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác).
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình OCOP để nâng tầm sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh. Do vậy, tỉnh khuyến khích người dân, Hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với các ưu đãi hỗ trợ 30% trên tổng kinh phí xây dựng, tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở.
Điều kiện là các đơn vị, doanh nghiệp, Hợp tác xã, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện xây mới cơ sở thương mại đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; cơ sở kinh doanh có tổng diện tích sàn xây dựng từ 100m2 trở lên, có bãi đỗ xe thuận tiện; đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, có danh sách niêm yết các mặt hàng, trong đó 80% mặt hàng là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, quà tặng du lịch, quà tặng lưu niệm của tỉnh Yên Bái. Để các đặc sản OCOP “Made in Yên Bái” đến với du khách trong và ngoài nước nhanh hơn, xa hơn.
Gian trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. |
Phát triển HTX, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch
Nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, Yên Bái tăng ưu đãi, hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Hiện, việc phát triển hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp hoạt động trong các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch còn rất chậm và ít so với các lĩnh vực khác.
Ngay từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 57 Hợp tác xã, nhưng chỉ có 05 Hợp tác xã mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực du lịch và không có HTX nào hoạt động trong làng nghề phục vụ du lịch.
Nhận thấy việc phát triển hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp hoạt động trong các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch còn gặp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và cách làm, song đây là hướng đi phù hợp cho các làng nghề. Bởi vậy, tỉnh Yên Bái tăng ưu đãi với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/HTX; 20 triệu đồng/Tổ hợp tác đối với các HTX, Tổ hợp tác được thành lập tại các làng nghề có vị trí thuận lợi, đáp ứng các điều kiện phục vụ du khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm...
Các Hợp tác xã phải có tối thiểu 10 thành viên; Tổ hợp tác có tối thiểu 5 thành viên trở lên; các thành viên của HTX, Tổ hợp tác là đại diện cho các hộ gia đình khác nhau và phải trực tiếp tham gia hoạt động làng nghề của làng nghề. HTX, Tổ hợp tác được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật, đã hoạt động ổn định từ 03 tháng trở lên và thường xuyên tổ chức hoạt động cho du khách trải nghiệm...
Ngoài các chính sách này, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các làng nghề vẫn được hưởng các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo các quy định của Trung ương, của tỉnh Yên Bái. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể và hỗ trợ lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch; hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn (bản) có hoạt động du lịch cộng đồng.
Màn múa xòe khổng lồ trong Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò năm 2019 (Ảnh Newday). |
Đặc biệt, Yên Bái tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách nhằm giảm tính mùa vụ trong hoạt động du lịch với các chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ngoài tỉnh được đơn vị tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gửi thư mời; có kế hoạch và dự toán kinh phí tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh sẽ được hỗ trợ 50% trên tổng số kinh phí tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá nhưng không quá 50 triệu đồng/tổ chức/một lần tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu phải đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp với việc hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch; kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; bồi dưỡng, tập huấn ngoại ngữ giao tiếp với mức hỗ trợ cụ thể từ 65 triệu - 75 triệu đồng/lớp.
Với việc tăng hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư vào du lịch, tỉnh Yên Bái mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, Hợp tác xã và toàn thể nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh cùng chung sức, đồng lòng phát triển du lịch Yên Bái xanh, bản sắc, hấp dẫn, phấn đấu đến năm 2025 Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Đỗ Nhân Đạo
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái