Trong không khí vui tươi, đồng bào Thái chuẩn bị quần áo mới, những lễ vật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong ngày Tết cổ truyền. Những homestay của người bản địa vẫn mở cửa chào đón các đoàn khách “xông đất” đầu năm.
Người Thái ở Mường Lò vẫn giữ được những nét đăc trưng về kiến trúc, trang phục, văn hóa... |
Đón xuân ở bản xa
Khoảng chục năm nay, homestay Luật Phượng của gia đình chị Hoàng Thị Phượng ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái không mấy khi vắng khách. Thậm chí vào mùa lễ hội, mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch, Tết Nguyên đán, khách đăng ký “đặt chỗ” ăn nghỉ trước cả tháng trời.
Đến với Mường Lò, du khách sẽ được trải nghiệm "du lịch bụi" bằng xe đạp, những “hướng dẫn viên” đưa khách tham quan các bản Đêu, bản Đường, bản Mớ, bản Thón, bản Lanh, bản Viềng Công, bản Nụ, bản Vệ… Khách du lịch sẽ được xem và trực tiếp trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc dệt vải thổ cẩm, đan lát thủ công mỹ nghệ, xem nghệ nhân dân gian biểu diễn các nhạc cụ dân tộc…
Không quá lời khi nói rằng ẩm thực của người Thái đang dần khẳng định và có chỗ đứng trên "bản đồ ẩm thực Việt". Khi muốn “ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui”, khách du lịch đều muốn tìm đến homestay du lịch của người Thái. Dân tộc Thái vốn nổi tiếng với 142 món ăn dân tộc, đủ yếu tố thuần tự nhiên, ngon-độc-lạ như: Pa pỉnh tộp, gà đen, thịt nướng gói lá dong, canh lá chua, thịt lợn gác bếp, nộm rau rừng, xôi ngũ sắc, rượu men lá… Những món ăn giản dị, mộc mạc đó lại được khách ngoại quốc khen ngon, nhiều vị khách còn không ngại xắn tay vào cùng làm với gia chủ, rồi ghi chép rất tỉ mỉ cách làm từng món.
Điệu múa xòe của người Thái thường được tổ chức trong các lễ, tết quan trọng. |
Thưởng thức món ăn ngon và rượu ngọt, thực khách còn được xem các thiếu nữ biểu diễn những điệu xòe Thái cùng những bài khắp (hát) gọi trong những đêm trăng sáng mông lung trên cánh đồng Mường Lò nhòa nhạt sương đêm. Đặc biệt, đón Tết cùng người Thái, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều phong tục độc, lạ như tục cúng cơm tất niên, tục cúng giao thừa Pông Chay... Mê mẩn với con người, ẩm thực và cảnh sắc Mường Lò, nhiều du khách dưởng như "quên mất đường về".
Hai năm về trước, bản Đêu là một bản nghèo, lụp xụp những nóc nhà yếu ớt, người dân bám trụ vào những thửa ruộng, nương ngô để mưu sinh qua ngày. Giờ đây, giữa bốn bề núi rừng Tây Bắc, bản Đêu đã thực sự “thay da đổi thịt” với những mái nhà kiên cố, khu chợ sầm uất, những con đường bê tông hóa chạy thẳng vào các nhà dân, hoa lá cây cỏ sáng bừng ngõ xóm.
Là gia đình đầu tiên của xã Nghĩa An phát triển mô hình homestay, chị Phượng không giấu được niềm vui sướng trước sự đổi thay của chính gia đình mình và bản Đêu 3: “Vinh dự lớn nhất của tôi là được mang những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đến với du khách gần xa và tôn vinh giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Thái từ kiến trúc nhà ở, trang phục trang sức, dân ca, dân vũ ẩm thực.
Hiện, gia đình chị Phượng đã liên kết với 41 công ty lữ hành, mỗi năm đón tiếp khoảng 1.000 lượt khách lưu trú và khoảng 7.200 lượt khách sử dụng dịch vụ. Thu nhập của gia đình (kể cả cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa) sau khi trừ các chi phí lãi 200 triệu đồng/năm”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đến thăm, động viên các mô hình du lịch cộng đồng. |
Với sự xuất hiện của “vị khách không mời” - Covid-19, người làm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách giảm rõ rệt. Các mô hình du lịch cộng đồng ở Mường Lò cũng nhanh chóng chuyển đổi phương án kinh doanh, tăng cường chế biến các món đặc sản dân tộc như thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, lạp sườn…, do đó thu nhập của các hộ vẫn ổn định, không có biến động lớn.
Vào dịp Tết Nguyên đán, homestay vẫn mở cửa đón những đoàn khách đến tham quan và “xông đất”. Trước sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, homestay kiểm tra thân nhiệt cho khách, yêu cầu khách khai báo y tế đầy đủ, trung thực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, yên tâm đón Tết an lành.
Sản phẩm OCOP mới
Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 20 mô hình du lịch cộng đồng, tập trung tại xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi, thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước, quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thị xã đã xây dựng liên kết các địa phương trong tỉnh thành các tuyến du lịch như: tuyến Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải, du khách sẽ được tham quan danh thắng quốc gia rộng bậc thang, đèo Khau Phạ, trải nghiệm lễ hội của đồng bào Mông; tuyến Nghĩa Lộ - Văn Chấn du khách sẽ được hòa mình vào không gian chè Suối Giàng; tuyến Nghĩa Lộ - Văn Yên tìm hiểu văn hóa người Dao, lễ hội Quế, đền Đông Cuông… Đồng thời, mở rộng liên kết các tỉnh khu vực Tây Bắc xây dựng các tour tuyến du lịch gắn với các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Điện Biên Phủ...
Muốn "ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui" thì Mường Lò là địa điểm không thể bỏ qua. |
Coi du lịch cộng đồng là ngành kinh tế mới, mũi nhọn, xã Nghĩa An đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình du lịch nhằm làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo ông Vi Ngọc Chình, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An: “Xã Nghĩa An hiện có 6 homestay, du lịch cộng đồng và ngành nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ, chế biến món ăn đặc sản tương trợ lẫn nhau. Sau khoảng 10 năm triển khai, mô hình du lịch cộng đồng đã cho thấy những kết quả nổi bật. Cụ thể, thu nhập bình quân chung của các hộ gia đình gấp 3 lần so với làm ruộng, đạt 70-80 triệu/người/năm, trong khi thu nhập bình quân toàn xã đạt 36 triệu/người/năm”.
Bàn về kinh doanh dịch vụ, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng. Do đó, xã Nghĩa An chú trọng tập huấn quy trình chế biến thức ăn, đặc sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo tiếng Anh, kỹ năng tiếp đón khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Homestay tiếp đãi du khách bằng những món ăn đặc sản như ngô nếp nương, xôi ngũ sắc, thịt lợn gác bếp... |
Đồng thời, xã cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển cảnh quan, vệ sinh môi trường, thành lập các tổ tự quản, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, vận động nhân dân tại các thôn, bản tổng vệ sinh hàng tuần, tổng vệ sinh toàn xã 2 lần/tháng.
Ngoài ra, xã cũng khuyến khích bà con xây dựng nhà vệ sinh khép kín, chuồng trại có bể biogas hoặc xử lý bằng các chất vi sinh khử mùi, đảm bảo tiêu chí môi trường và sức khỏe cho người dân.
Trong các nhóm sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng thuộc nhóm thứ 6. Du lịch cộng đồng đang được kỳ vọng trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở nông thôn, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn khi người dân biết tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa.
Các du khách đều cảm thấy vui vẻ, hài lòng với dịch vụ của bản. |
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Mường Lò có nhiều tiềm năng phát triển, phần lớn các mô hình du lịch cộng đồng đủ điều kiện đạt OCOP 3 sao, 4 sao, thậm chí 5 sao nếu có sự hỗ trợ, quan tâm, đầu tư tốt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Đối với các thôn bản khó khăn, chúng tôi đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đường sá, công trình công cộng, thúc đẩy chương trình OCOP. OCOP sẽ khơi dậy tiềm năng của địa phương từ vùng nguyên liệu, trí tuệ của người dân, hướng đến có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ dẫn địa lý cụ thể. Đó là những tiêu chuẩn để các sản phẩm ở địa phương đạt tiêu chí quốc gia và phát triển du lịch cộng đồng, phát huy lợi thế của các vùng khó khăn”.
Được ví là thung lũng đẹp nhất của tỉnh Yên Bái, Mường Lò sẽ trở thành điểm đến về du lịch nông thôn, các làng nghề truyền thống, những món ăn dân dã mang đậm nét người dân miền núi Tây Bắc.
Xuân Mai