Trước đây, người dân Bình Quý chỉ trồng lúa theo phương pháp truyền thống. Năm 2007, một công ty về xã tìm các hộ dân trồng lúa đen hữu cơ do thổ nhưỡng ở đây thích hợp để phát triển giống lúa này. Tò mò với phương pháp trồng lúa hữu cơ không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Trường Sơn (nay là Giám đốc HTX) cùng bà con thử nghiệm.
Lúa đen hữu cơ
Ông Sơn cho biết: “Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới khi lớn chỉ biết ăn gạo trắng, nghe nói về loại gạo đen vừa ngon vừa bổ dưỡng nên tôi cũng muốn trồng thử nghiệm trên ruộng đồng nhà mình”. Kể từ đó, những diện tích lúa đầu tiên nói không với thuốc, phân hóa học bắt đầu phát triển trên cánh đồng Bình Quý.
Gạo đen là loại gạo quý, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe |
Sản xuất lúa đen theo quy trình hữu cơ khác xa so với làm lúa truyền thống. Vì thế, các hộ tham gia trồng loại lúa này được kỹ sư và chuyên gia nông nghiệp của công ty hướng dẫn từ kỹ thuật trồng lúa, biện pháp bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), cung cấp giống và phân, thuốc sinh học trong suốt thời gian của mùa vụ.
Làm lúa đen phải theo một quy trình nghiêm ngặt khiến mà những người dân nơi đây ví von "giống như chăm con nhỏ". Cày ải phải tốn công nhiều hơn để đất tơi xốp. Quan trọng nhất là ruộng chỉ được phép phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh để vừa tạo ra lúa sạch, vừa bảo đảm ATLĐ cho người dân. Trồng cây lúa lên một thì cỏ lên mười, nông dân phải đi mò cỏ, canh chừng cây lúa từng ngày vì sợ bệnh.
Nhưng với niềm tin có thể thoát nghèo từ sản xuất nông sản sạch, hơn 10 năm gắn bó với lúa hữu cơ, nông dân Bình Quý giờ đây đã làm một cách thuần thục, hiểu được cây lúa như chuyên gia nông nghiệp sạch. Phân, thuốc hữu cơ, trị bệnh, diệt cỏ,… đều được nông dân nắm rõ nguyên tắc ATLĐ.
Ông Sơn phấn khởi cho biết: "Giờ làm lúa đen nên bà con yên tâm lắm. Làm theo quy trình hữu cơ nên sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng vì không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học và thu nhập cũng ổn định hơn so với sản xuất lúa truyền thống”.
Với mong muốn đưa hạt gạo đen vươn xa, tháng 10/2017, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý được thành lập, sau đó đổi tên thành HTX 770 Trường Sơn. Mỗi vụ, HTX sản xuất 5ha lúa đen với sản lượng gần 15 tấn lúa và còn phát triển thêm 5ha các loại gạo trắng hữu cơ.
So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần gấp đôi |
So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần như gấp đôi, bình quân mỗi hộ đạt lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng/năm. Điều quý giá nhất là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng trong lành hơn.
Thương hiệu Ô Mễ Cốc
Nhận thấy lợi ích của làm lúa đen hữu cơ, nhiều nông dân tại địa phương muốn xin vào HTX nhưng Ban giám đốc vẫn còn ái ngại nhiều vấn đề. Cái khó nhất là khâu kiểm soát, lỡ họ làm ăn gian dối thì sẽ làm mất uy tín và thương hiệu gạo hữu cơ HTX gây dựng hơn 10 năm qua. HTX đang cố gắng quản lý chặt chẽ quy trình trồng lúa, sau khi ổn định thì mới tính chuyện mở rộng thêm diện tích và nhận thêm thành viên.
Hiện, sản phẩm gạo đen hữu cơ của HTX 770 Trường Sơn được đặt tên thương hiệu là gạo đen Ô Mễ Cốc – Quảng Nam. Khi xuất ra thị trường, sản phẩm được đóng gói cẩn thận, có tem truy xuất nguồn gốc và được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm nghiệm tiêu chuẩn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài sản phẩm gạo đen, HTX còn có thêm sản phẩm bún khô gạo đen, các mặt hàng này được bán chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Sản phẩm cũng được chào bán trên trang fanpage HTX 770 Trường Sơn để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
Tới đây, HTX sẽ nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ gạo đen đưa ra thị trường như: ngũ cốc từ gạo đen kết hợp với các loại hạt đậu, gạo đen sấy rong biển,…
Chia sẻ về dự định này, ông Sơn cho biết: "Khi sản xuất gạo đen thì tâm nguyện của HTX là càng nhiều người dân được tiếp cận và thưởng thức nông sản sạch càng tốt. Chúng tôi mong muốn sau này khi nhắc tới vùng đất Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay đến gạo đen hữu cơ đặc sản, giống như nhắc đến Quảng Nam là nhớ tới Phố cổ Hội An hay Thánh địa Mỹ Sơn”.
Hà Xuyên