Theo chính quyền huyện Thuận Châu, địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Việc tái cơ cấu nông nghiệp cũng là bước cần thực hiện trong xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển hiệu quả, bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa
Điểm nhấn trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Thuận Châu là ngoài chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, huyện còn chuyển đổi từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang nền nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng nông sản và thích ứng với thị trường.
Đến nay, hàng trăm ha lúa nương, ngô, sắn kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu hay cây công nghiệp lâu năm.
Theo Sở NN&PTNT, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2019, toàn huyện trồng mới 595 ha cây ăn quả các loại, nâng diện tích cây ăn quả lên 3.670 ha, sản lượng đạt 8.000 tấn. Đến nay, đã có trên 226 ha cây trồng các loại được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; 27,5 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến…, huyện tạo môi trường thuận lợi về mọi mặt (thủ tục hành chính, đất đai…) để doanh nghiệp và HTX có thể liên kết với các hộ dân, từ đó thúc đẩy cả doanh nghiệp, HTX cùng phát triển hiệu quả.
HTX Trồng rừng kinh tế du lịch sinh thái Huổi Liệp đang quản lý gần 1.000 ha đất trồng rừng, gồm 35 ha rừng trồng, 750 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong việc chuyển đổi đất, HTX từng bước liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, Huổi Liệp hướng dẫn thành viên đa dạng các loại cây trồng như: thông, vối thuốc, sa nhân, sơn tra... và có đầu ra ổn định.
Sơn tra là sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của HTX Huổi Liệp (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, HTX còn triển khai hiệu quả nhiều dịch vụ như: cung ứng vật tư, phân bón; cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ tiêu thụ nông sản... mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân mỗi thành viên 4 triệu đồng/tháng.
Hay mô hình của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pha Đin đã xây dựng thành công chuỗi giá trị hàng hóa hiện đại nhờ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp.
HTX đang phát triển hệ thống nhà lưới trên 1.000 m² với các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn, phần mái được phủ ni lông, xung quanh căng rào lưới chắn côn trùng, bên trong nhà lưới xây dựng các giàn thủy canh, cùng các trang thiết bị hỗ trợ, như: Quạt làm mát, máy bơm nước tự động, hệ thống phun mưa dùng cho mùa hè, hệ thống bóng điện thắp sáng...
Anh Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Với quy trình chăm sóc đơn giản, hệ thống bơm nước tự động tuần hoàn từ bể dẫn nước có chứa dinh dưỡng về từng gốc rau và ngược trở lại, năng suất và giá bán nông sản của HTX luôn cao hơn 1,5-2 lần so với rau trồng theo phương pháp truyền thống.
Động lực phát triển HTX
Từ những nỗ lực trong liên kết sản xuất, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chủ lực.
Nhiều chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ đó được hình thành như: chuỗi chè, chanh leo, xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ… Ngoài ra còn có chuỗi thủy sản trên diện tích 380 ha, sản lượng khai thác đạt khoảng 1.000 tấn.
Điều đáng quan tâm là việc hình thành nền nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, HTX, từ đó hình thành mối liên kết 4 nhà bền chặt.
Các HTX không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp mà còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư cho sản xuất.
Sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
Các HTX cũng đảm nhận phát triển các dự án phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020, như: Dự án phát triển sản xuất sản phẩm xoài, cam của HTX Bản Bon, HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn; dự án phát triển sản xuất thủy sản của HTX Hồ Quỳnh; dự án phát triển cây dược liệu của HTX Pú Chắn (xã Long Hẹ)...
Nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, huyện đã có 39 HTX đang hoạt động, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ dân trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hộ có thu nhập từ hàng chục, hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm nhờ liên kết với các HTX, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; từ đó tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp nông nghiệp, nông thôn huyện Thuận Châu chuyển mình mạnh mẽ.
Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 9,18 tiêu chí/xã; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đang chuẩn bị tổ chức công nhận. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân để bức tranh nông thôn của huyện có những bước chuyển mạnh mẽ.
Huyền Trang