Theo báo cáo của Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, hiện nay, giá dừa khô ở tỉnh này dao động 30.000 - 50.000 đồng/ chục (12 trái).
Mức giá này khác nhau so với từng vùng trong tỉnh Bến Tre. Tại huyện Giồng Trôm, dừa có giá cao nhất là 45.000 đồng/chục. Huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam, dừa có giá 40.000 đồng/chục. Huyện Châu Thành dừa đang ở mức 35.000 đồng/chục và thấp nhất là huyện Bình Đại chỉ 30.000 đồng/chục.
Nhiều lần mất giá
Tại Bến Tre, dừa được trồng tập trung nhiều nhất tại các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Không chỉ riêng năm nay, tình trạng dừa Bến Tre rơi vào cảnh được mùa mất giá đã xảy ra nhiều lần.
Vào năm 2015, giá dừa của tỉnh Bến Tre giảm mạnh, có nơi chỉ còn 20.000 đồng/chục. Đầu năm 2016, dừa khô của tỉnh này lại bị mất giá, chỉ dao động 30.000 - 50.000 đồng/chục. Cuối năm 2017, người trồng dừa Bến Tre từng điêu đứng khi giá dừa xiêm và giá dừa khô giảm 20.000 - 30.000 đồng/chục.
Nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn dừa tại Bến Tre được xuất sang Trung Quốc, một phần xuất sang Hàn Quốc. Nhưng thời điểm này cũng là chính vụ dừa của Indonesia nên Trung Quốc đã ngừng nhập dừa Việt Nam và quay sang nhập dừa từ Indonesia vì giá dừa của nước này thấp hơn, trong khi mẫu mã đẹp hơn so với dừa Việt Nam.
Cùng với đó, những tháng này, người hồi giáo vào mùa ăn chay, nên nhu cầu nhập khẩu cơm dừa nạo, sấy giảm.
Diện tích lớn (70.000 ha), sản lượng nhiều (600 triệu quả/năm), trong khi giá dừa lại liên tiếp xuống thấp gâ ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ nông dân.
Trước những khó khăn mà người trồng dừa đang phải đối mặt, mô hình trồng dừa hữu cơ của Tổ hợp tác (THT) chăm sóc vườn dừa xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã cho thấy sức mạnh của chuỗi liên kết có thể đưa ngành dừa phát triển bền vững.
Trong khi giá dừa xuống thấp với giá 30.000 - 50.000 đồng/ chục, thì dừa tại THT vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá từ 55.000 đồng/chục trở lên.
Cần chuỗi liên kết để ngành dừa phát triển bền vững |
Vai trò của chuỗi giá trị
Với diện tích 63 ha và 60 tổ viên tham gia, THT đã liên kết với công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre thực hiện chương trình trồng dừa hữu cơ nhằm phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Để đạt tiêu chuẩn châu Âu, các tổ viên không được để rác thải trong vườn dừa. Các hoạt động sinh hoạt của gia đình cũng phải tách biệt với vườn dừa và đặc biệt là không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình trồng, chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn organic giúp người trồng dừa tiếp cận kỹ thuật canh tác khoa học, cung cấp nguyên liệu phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất dòng sản phẩm sạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, môi trường sản xuất cũng được bảo vệ nhờ người dân không sử dụng phân bón vô cơ độc hại. Từ đó, lượng phát thải khí N2O trong hoạt động canh tác dừa giảm, dừa cũng không bị tấn công bởi các loại sâu bệnh.
Nếu như trước đây, người dân phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ vùng trồng dừa còn hạn chế, thì đến nay, nhờ xây dựng được chuỗi liên kết, sản phẩm của THT đã có giá ổn định và cạnh tranh.
“Để tháo gỡ đầu ra cho cây dừa và giúp nông dân sống được từ loại cây công nghiệp này, nhất thiết phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, theo hướng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tăng giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Trọn - Tổ trưởng THT, cho biết.
Các tổ viên THT còn được áp dụng KH-KT chăm sóc dừa, quản lý kỹ thuật chăm sóc trong điều kiện hạn mặn. Chính vì vậy, diện tích dừa sản xuất theo hướng hữu cơ của THT còn phù hợp với điều kiện khí hậu đang bị biến đổi mạnh mẽ tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay.
Hình thành chuỗi giá trị bền vững không chỉ giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác mà còn giúp tăng năng suất dừa, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn về vốn, nhân lực…
Như Yến