Sáng ngày 6/6, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam đã tham dự Hội nghị triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân, thành lập HTX tham gia chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo huyện Gò Dầu; Bí thư, Chủ tịch các xã, các HTX trên địa bàn huyện, Ban Giám đốc Nhà máy Tanifood Tây Ninh và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tiềm năng lớn
Tây Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC).
Riêng đối với ngành trồng trọt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu đầu tư phát triển NNCNC với tổng diện tích khoảng 800 ha, trong đó có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Nhằm thực hiện mục tiêu chung của tỉnh, UBND huyện Gò Dầu đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, huyện sẽ rà soát lại những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với từng chủng loại cây ăn quả phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ, tận dụng những tiềm năng sẵn có trên địa bàn.
Gò Dầu là huyện thuộc phía Nam tỉnh Tây Ninh, là trung tâm phát triển KT-XH của tỉnh. Trung tâm huyện là ngã ba thông thương kinh tế của ba vùng trọng điểm là Tp.HCM, Tp.Tây Ninh và Campuchia.
Diện tích tự nhiên của huyện là 25.998,51ha, trong đó đất nông nghiệp là 21.678,38ha chiếm 83% tổng diện tích đất tự nhiên, vùng sản xuất được phân bổ rõ rệt gắn với từng loại cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, Gò Dầu cũng có cơ cấu nhóm cây trồng, vật nuôi đa dạng đều là những loại nông sản trong chủ trương phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường và xuất khẩu.
Theo thống kê đến hết năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 1.393 ha. Trong đó nhiều nhất là cây nhãn, với 538 ha; kế đến là sầu riêng 222 ha, thanh long ruột đỏ 102 ha, xoài 89 ha; còn lại là một số cây trồng khác như chôm chôm, mít, vú sữa, quýt, chanh... có diện tích mỗi loại từ 50 - 80 ha.
Bên cạnh đó, vùng phân bổ sản xuất tập trung của huyện phù hợp phát triển theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, tập trung cánh đồng lớn, nâng cao giá trị bền vững.
Năm 2018, huyện dự kiến sẽ tăng diện tích cây rau đạt 3.423ha, diện tích cây ăn quả đạt 1.600ha.
Hiện, trên địa bàn huyện có 8 HTX nông nghiệp và 9 THT trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.
Hội nghị triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân, thành lập HTX tham gia chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood |
Phải tham gia chuỗi giá trị
Đánh giá cao những tiềm năng và thành quả mà huyện Gò Dầu đã đạt được trong thời gian qua, để thực hiện được những mục tiêu mà huyện đề ra trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng huyện cần củng cố lại các HTX hiện có, tạo điều kiện sản xuất tiêu thụ ổn định, tăng quy mô sản xuất.
Huyện cũng cần thành lập mới thêm các HTX, THT trong tất cả các lĩnh vực, đặt mục tiêu phấn đầu đến năm 2030 phải thành lập được vài chục HTX, THT.
Đặc biệt, phải hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị huyện xác định lại hệ thống cây trồng chủ lực, quy hoạch vùng chuyên canh rau, củ, quả… qua đó thành lập các HTX tham gia chuỗi giá trị, cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood.
Trước kiến nghị của Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, Liên minh HTX Việt Nam sẽ cùng với địa phương, nhà máy Tanifood Tây Ninh, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tạo các điều kiện thuận lợi về hỗ trợ đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho các HTX trên địa bàn huyện nói riêng, của tỉnh Tây Ninh nói chung nhằm tạo nền tảng vững chắc phát triển bền vững HTX.
Về phía tỉnh Tây Ninh cũng sẽ tạo điều kiện đầu tư hà tầng để huyện Gò Dầu thuận lợi trong việc phát triển theo vùng trên các loại rau, củ, quả.
Bên cạnh đó, nhà máy Tanifood cũng sẽ sớm có kế hoạch cụ thể về chính sách, xác định vùng nguyên liệu cụ thể trên từng loại cây trồng, diện tích đất trồng.
Nhà máy sẽ đầu tư, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho HTX; ngân hàng sẽ hỗ trợ tín dụng cho HTX.
Qua đó, huyện có thể chỉ đạo vận động xây dựng vùng sản xuất, thành lập các HTX có tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng tiêu thụ với công ty, ổn định sản xuất.
Hiện, Tanifood là nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, đang cần 5.000 ha vùng nguyên liệu, trước mắt là 1.000 ha cây ăn trái chủ lực xoài, khóm, thanh long.
Thùy Linh