HTX sản xuất rau an toàn La Hường được thành lập vào năm 2009 với 23 thành viên. Với tổng diện tích 5ha ở khu đất bên sông Cẩm Lệ, HTX chuyên sản xuất các loại rau, đậu ngắn ngày. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường 600 tấn sản phẩm.
Rau VietGAP rộng đầu ra
Những năm qua, HTX được UBND quận Cẩm Lệ cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ phương tiện vật chất và kỹ thuật sản xuất rau theo quy trình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp VietGAP. Theo đó, Ban lãnh đạo HTX luôn chú trọng hướng dẫn thành viên các kỹ thuật làm đất, bón phân, tưới nước, thay đổi cây trồng, biện pháp xử lý đất, xử lý giống trước khi trồng tỉa.
Rau La Hường được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã triển khai thu thập bọ đuôi kìm tại các vùng rau trên địa bàn thành phố đem về nhân nuôi, mang lại kết quả khả quan và đem ra thả tại hai vùng rau an toàn La Hường, góp phần hạn chế sâu hại trên cây rau, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu hại nhằm phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Hằng ngày, các thành viên miệt mài trồng tỉa, chăm sóc rau, từ làm đất, bón phân, tưới nước, công đoạn nào cũng phải thật kỹ càng, tỉ mỉ, nhờ đó có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa hàng chục lần.
Vườn rau của HTX quanh năm xanh mướt, đủ các loại rau, đậu ngắn ngày như rau lang, rau muống, cà tím, dền đỏ, ớt, dứa, xà lách, mồng tơi, bầu bí, rau húng, rau thơm... Hộ nào cũng trồng nhiều loại rau và canh tác theo phương pháp cuốn chiếu.
Theo ông Trần Trọng Luận, thành viên HTX rau La Hường: Chỉ với 2.000m2 trồng ớt, dền đỏ và rau lang đọt trắng, ngày nào ông cũng có thu nhập hơn 400.000 đồng.
Còn vườn rau của chị Trần Thị Hạnh trồng 3.000m2 rau lang và rau muống cùng với mồng tơi, bí đỏ, rau dền, mỗi ngày có sản phẩm bán từ 500.000 - 700.000 đồng.
Nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, canh tác nhiều loại rau đạt chất lượng cao, vùng rau an toàn của HTX đã trở thành vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng được Cục Sở hữu trí tuệ (BỘ KH&CN) cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có mặt tại các hội chợ triển lãm ở Đà Nẵng.
Theo đó, vùng rau đã mở rộng lên 8ha, các sản phẩm như rau, đậu, bầu, bí các loại từ đồng rau La Hường có mặt tại hàng chục chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.
Nhờ phát triển ổn định, HTX đã đảm bảo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Thương hiệu rau La Hường với các sản phẩm rau không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường Đà Nẵng.
Không bó tay trước thách thức
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau La Hường, vùng rau La Hường như một đảo nổi, xa khu dân cư và cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp, bệnh viện cũng như chất thải sinh hoạt, thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, HTX đại diện trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng với các đầu mối thu mua rau, tiêu thụ uy tín trên thị trường Đà Nẵng. Thời gian tới, HTX sẽ kiến nghị UBND quận Cẩm Lệ cho dồn điền đổi thửa, tận dụng hết quỹ đất còn bỏ hoang, nâng tổng diện tích vùng rau lên trên 10 ha để xây dựng cánh đồng rau lớn của Đà Nẵng.
Nhiều loại rau La Hường không phát triển nổi do khô hạn, nước nhiễm mặn (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, thời tiết, khí hậu ở đây diễn biến bất thường đã gây khó khăn rất lớn cho vùng rau La Hường. Vùng rau thường bị ngập trong mùa mưa lũ, nên thời gian canh tác sản xuất chỉ được khoảng 9 tháng mỗi năm.
Để giải quyết vấn đề này, HTX xã đã nêu ý tưởng về một mô hình kiểu mới, trồng rau sạch kết hợp du lịch sinh thái. Theo đó, kiến nghị chính quyền xây dựng bờ kè sông Cẩm Lệ bao quanh vùng rau La Hường để chống xói lở đất, điều tiết tình trạng ngập úng trong mùa mưa lũ. Đồng thời, làm bến neo đậu tàu thuyền để khách du lịch bằng đường sông có thể ghé thăm vùng rau; mở rộng đường giao thông nội đồng để các loại phương tiện có thể ra vào dễ dàng, chuyên chở trang thiết bị, vật tư, phân bón và các sản phẩm rau quả...
Theo người dân trồng rau, chính quyền và ngành chức năng nên nghiên cứu cho vùng rau được kết nối với nhà máy nước Cầu Đỏ, lấy nước từ đập Ba Gia An Trạch, không cần qua xử lý để cung cấp cho vùng rau. Khi được cung cấp nước qua hệ thống hiện đại như vậy, bà con sẽ sử dụng tiết kiệm, lại vừa đảm bảo chất lượng nước tốt cho vùng rau an toàn, hiệu quả hơn.
Nguyễn Đan