Sau hơn 10 năm bén rễ trên vùng đất xã Phú Thương, cây quýt Bắc Sơn đang dần khẳng định giá trị trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện, toàn xã có hơn 30 gia đình trồng quýt, hộ ít có khoảng 200 cây, hộ nhiều khoảng 1.000 cây.
Hiệu quả tích cực
Ông Lường Văn Triệu, một trong những người đầu tiên ở xã Phú Thượng đưa giống quýt Bắc Sơn về trồng, cho biết do hợp thổ nhưỡng (địa hình gò đồi, độ dốc vừa phải) nên chất lượng quýt ở đây không thua kém gì các vùng quýt nổi tiếng của cả nước.
Cây ăn quả có múi đang cho thấy sự thích nghi tốt, cho hiệu quả cao trên đất Võ Nhai (Ảnh TL). |
“Quả quýt trên đất Phú Thượng có vị ngọt pha lẫn chua nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Ngay cả trong những thời điểm thị trường khó khăn, quýt vẫn có giá bán từ 15 – 25 nghìn đồng/kg”, ông Triệu chia sẻ.
Nhờ thị trường ổn định, giá bán tốt, người trồng quýt ở Phú Thượng có thể thu về 100 – 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của địa phương.
Nếu ở xã Phú Thượng có quýt thì ở xã Tràng Xá có bưởi. Một trong những đơn vị sản xuất bưởi điển hình của xã là tổ hợp tác sản xuất Bưởi Tràng Xá. Đơn vị hiện chuyên canh bưởi trên diện tích 48,91ha, cho sản lượng đạt trên 100 tấn quả/năm.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, năm 2019, tổ hợp tác đã được chứng nhận bưởi đạt chuẩn VietGAP. Thành công trên là nhờ phương thức sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm của tổ hợp tác.
Điển hình, trong quá trình sản xuất, thành viên tổ hợp tác luôn tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên, vi sinh, thân thiện môi trường.
Các loại rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vỏ chai lọ,… được HTX thu gom, tập trung đúng nơi quy định để tránh gây thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Phát triển bền vững
Không phát triển cây có múi, HTX Thịnh Vượng, xã Nghinh Tường, đang rất thành công với mô hình trồng chuối tây Thái Lan theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các mô hình trồng cây hiệu quả như trồng chuối của HTX Thịnh Vượng sẽ được nhân rộng (Ảnh TL). |
Theo tính toán của HTX, nhờ chăm sóc tốt, diện tích chuối của HTX, tương đương với 24.000 cây, cho năng suất 400 - 450 tấn, giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, HTX vẫn có thể lãi 2 tỷ đồng cho 18 tháng từ khi trồng đến thu hoạch.
Một trong những điểm nhấn trong sản xuất của HTX là hệ thống máy tưới nhỏ giọt lấy nước từ hồ chứa tự tạo, dung tích khoảng 30.000 m3. Công nghệ này có thể hòa trộn phân bón kết hợp với cấp nước tưới theo đường ống cho từng gốc chuối với liều lượng vừa đủ, tránh thất thoát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Những kết quả từ thực tế chứng minh mô hình trồng cây ăn quả đang mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai.
Để phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, huyện đang chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả trên quy mô lớn.
Huyện cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân sản xuất cây ăn quả theo mô hình trang trại, liên kết thành lập nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện đang tiến hành rà soát, trồng mới, trồng thay thế những loại giống cây già cỗi bằng những giống cây mới chất lượng. Xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, từ đó nâng tầm thương hiệu sản phẩm cây ăn quả tại các địa phương.
Nhật Minh