Những năm qua, ngành chăn nuôi huyện Vĩnh Tường tập trung phát triển các vật nuôi chủ lực như bò thịt, bò sữa, lợn, gia cầm và chim cút. Các mô hình chăn nuôi đang tạo nguồn thu nhập ổn định, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ nông dân, với mức lợi nhuận từ 100 - 500 triệu đồng/năm.
Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư
Huyện Vĩnh Tường đã xây dựng Đề án đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư giai đoạn 2020-2025, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vĩnh Tường đang chủ động đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh TL). |
Là một trong những hộ tiên phong đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư, gia đình anh Đặng Tiến Hoàng, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi xanh xã Vĩnh Thịnh, đã có điều kiện mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Theo anh Hoàng, việc đưa trang trại ra ngoài khu dân cư giúp các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, áp dụng kỹ thuật mới như xây dựng hầm biogas, trang bị quạt thông gió, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng quy định…, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Chỉ sau một năm chuyển trang trại ra ngoài khu dân cư, đàn bò nhà tôi từ 6 con đã tăng lên 21 con. Đặc biệt, hệ thống chuồng trại được xây dựng thoáng mát, môi trường sạch sẽ giúp bò khỏe mạnh, cho sữa ổn định, chất lượng sữa được đơn vị thu mua đánh giá cao, giúp gia đình tôi thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng”, anh Hoàng phấn khởi nói.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết, để đẩy nhanh quá trình đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, các hộ thực hiện sẽ được huyện hỗ trợ 25% tổng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng đối với khu chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn, 50% tổng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng đối với khu chăn nuôi chim cút (không quá 1 tỷ đồng/khu). Kinh phí này để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, chuồng trại và mua sắm thiết bị.
Hướng phát triển bền vững
Những kết quả ban đầu cho thấy Đề án đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thôn xóm, khu vực có mật độ hộ chăn nuôi và số lượng đàn vật nuôi lớn, bảo đảm hiệu quả cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.
Huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái (Ảnh TL). |
Đến nay, huyện Vĩnh Tường đã hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa tập trung theo xã như vùng chăn nuôi gà đẻ ở Tân Tiến, Yên Bình; chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường; chăn nuôi chim cút tại Tân Tiến, Yên Lập, Đại Đồng; chăn nuôi lợn tại Ngũ Kiên, Tuân Chính, Đại Đồng, Phú Đa…
Hầu hết các khu chăn nuôi tập trung đang tích cực đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều mô hình chăn nuôi của huyện đã được chứng nhận VietGAP, đem lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi bền vững cho người dân.
Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã và đang khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng với tỷ trọng hơn 51,8% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển nóng khiến ngành chăn nuôi của huyện vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, rủi ro dịch bệnh, thị trường.
Để giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, huyện đã và đang chủ động phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư. Đồng thời, thực hiện liên doanh, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp để hỗ trợ con giống, thức ăn, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Nhật Minh