Để phát triển bền vững, huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, thân thiện môi trường, từ đó nâng tầm thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Nhờ triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Thọ Xuân đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công 9 mô hình nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm, phục vụ sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ trên diện tích trên 65.000m2, lợi nhuận đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm; gần 220 ha cây ăn quả có múi tập trung cũng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm…
Các mô hình sản xuất được hỗ trợ phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Đặc biệt, trong quá trình phát triển nông nghiệp theo chuỗi, các HTX trên địa bàn huyện có nhiều đóng góp tích cực. Toàn huyện hiện có 45 HTX nông nghiệp, trong đó có 38 HTX hoạt động hiệu quả.
Các HTX trên địa bàn huyện đã và đang hoạt động hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, mang lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điển hình có thể kể đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Tân. Sau hơn 7 năm thành lập, HTX đã sở hữu 2 máy cấy, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 vạn khay mạ, 5.000m2 nhà lưới trồng rau VietGAP và máy sấy có công suất 30 tấn/lượt sấy...
Đến nay, HTX không chỉ phát triển sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp mà còn là cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp. Có HTX đồng hành, nông dân đã không còn cảnh “nơm nớp” lo khi liên kết làm ăn với doanh nghiệp.
Đại diện HTX Xuân Tân cho biết, để có được thành công trong thời gian qua, bên cạnh sự đầu tư cho khoa học - kỹ thuật, HTX luôn chú trọng phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Đơn cử, trong quá trình canh tác lúa và rau, thành viên HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại HTX cũng tuân thủ tuyện đối nguyên tắc “4 đúng” (đúng liều, đúng loại, đúng cách, đúng thời gian), để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của cây trồng, vừa giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Xác định hướng đi bền vững
Những chính sách phát triển đồng bộ đang đặt nền móng để huyện Thọ Xuân đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện, giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích canh tác toàn huyện đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Thọ Xuân sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng các vùng sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm (Ảnh TL). |
Thời gian tới, từ những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và phát triển số lượng các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn, trọng tâm mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động của HTX.
Huyện cũng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, hệ thống tưới tiêu tự động, nhằm giúp các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhật Minh