Huyện Vĩnh Tường cũng đang đẩy mạnh cơ giới hóa, triển khai quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững trên một số loại cây trồng, vật nuôi, qua đó xây dựng thành công ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, mang lại lợi ích bền vững về kinh tế, môi trường.
Sản xuất quy mô lớn
Phú Đa là xã có tổng diện tích dồn thửa đổi ruộng nhiều nhất của huyện Vĩnh Tường với hơn 390 ha. Khi được canh tác trên những thửa ruộng lớn, bằng phẳng, nông dân có thể ứng dụng máy móc, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái.
Sản xuất quy mô lớn giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh TL). |
Được “cởi trói” về mặt bằng sản xuất, nhiều HTX, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, đưa những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu, vươn lên làm giàu.
Điển hình, mô hình trang trại nuôi cá kết hợp trồng đu đủ của gia đình anh Nguyễn Đình Là, xã Phú Đa, đang cho hiệu quả vượt trội. Trên tổng diện tích canh tác hơn 5.000m2, lứa cá đầu tiên vào đầu năm 2020, anh thu về hơn 70 triệu đồng.
Theo anh Là, để đảm bảo thành công, ngay từ đầu anh đã xây dựng mô hình theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường. Đơn cử như trong nuôi cá sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường nước, tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh tồn dư, giảm thiểu ô nhiễm.
Cùng với Phú Đa, xã Vũ Di cũng đang đạt được nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, với điểm sáng là HTX dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên. HTX hiện có hơn 500 thành viên, với hơn 100ha diện tích gieo trồng các loại, trong đó có trên 50ha trồng cây bí đỏ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, HTX áp dụng nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian) trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học.
Tạo động lực phát triển
Rõ ràng, những chính sách hỗ trợ thiết thực đang giúp ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Tường tạo nên những chuyển biến lớn. Bên cạnh các điểm sáng đã kể, trên địa bàn huyện cũng xây dựng thành công hàng loạt vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.
Bưởi là một trong những sản phẩm chủ lực ở Vĩnh Tường (Ảnh TL). |
Điển hình như vùng rau ở Tân Tiến, Đại Đồng, Thổ Tang quy mô 200 ha; vùng bí đỏ ở Vũ Di, Yên Lập 100 ha; vùng cà chua ghép ở Tân Tiến, Đại Đồng gần 40 ha; vùng bưởi ở xã Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh hơn 100 ha, và đặc biệt là nhãn hiệu “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất Phủ” đã được công nhận nhãn hiệu tập thể…
Để duy trì và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi, phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới.
Huyện cũng chú trọng thực hiện liên doanh, liên kết giữa người nông dân với các HTX, doanh nghiệp để hỗ trợ cây, con giống, phân bón, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa, tích tụ đất đai để hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đảm bảo giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân hình thành tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nhật Minh