Ông Lương Văn Thông - Giám đốc HTX Bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn), cho biết làng nghề hiện có 150 hộ làm nghề (trong đó 16 hộ là thành viên HTX), giải quyết việc làm cho gần 250 lao động tại chỗ. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất 1 - 1,8 tấn bánh thành phẩm.
Cải thiện môi trường
Trước đây, số hộ tham gia sản xuất ít nên bánh được làm chủ yếu bằng lò thủ công ít ảnh hưởng tới môi trường. Theo thời gian, số lượng hộ dân làm nghề ngày càng nhiều, nước thải ra môi trường chưa qua xử lý tăng, lượng bột từ bánh tráng ra ngoài ứ đọng lại ở các kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước.
Để giải quyết tình trạng này, HTX đã phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể khuyến khích các thành viên và hộ dân sử dụng các loại máy móc để vừa giải phóng sức lao động, vừa bảo vệ môi trường (BVMT).
Theo đó, 16 thành viên và tất cả các hộ được tập huấn kỹ thuật, chuyển toàn bộ quy trình làm bánh (xay bột, tráng bánh, cắt bánh, đóng túi…) từ thủ công sang thực hiện bằng máy. Đầu tư cho máy móc, ngoài nguồn vốn góp của các thành viên còn có sự hỗ trợ của Chi cục PTNT tỉnh, UBND xã.
Ngoài hỗ trợ cho thành viên làng nghề chuyển đổi từ sản xuất quy mô hộ gia đình sang quy trình sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX còn tổ chức hoạt động quảng bá, tiếp thị đưa sản phẩm vào siêu thị, nhà hàng, các điểm du lịch trong vùng.
Đến nay, 16 thành viên của HTX đã đầu tư máy móc đầy đủ, một số công đoạn còn lại được hỗ trợ của mô tơ, đòn bẩy. Hoạt động hiệu quả cùng với làm tốt công tác đầu ra, HTX là tấm gương để các hộ khác trong làng học hỏi, tiếp tục đầu tư máy móc phục vụ tráng bánh nên môi trường sản xuất vẫn bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Vì thế mà ấn tượng về làng nghề hôm nay chính là sự hiện đại, đồng bộ trong sản xuất.
Hiện nay, ở khu vực nông thôn, những mô hình thí điểm về thu gom rác thải đã khuyến khích ngày càng nhiều đơn vị tham gia, giúp hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân.
Việc sản xuất bánh tráng Cù Lao Mây giờ đã được cơ giới hóa |
Nhận thức nâng cao
Tại xã Mỹ Thuận (huyện Bình Tân), tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.500 ha, diện tích hoa màu 277,9 ha. Hàng năm, lượng rác từ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thải ra rất nhiều; trung bình 1 ha lúa 3 vụ phun khoảng 8,5 - 9 lít thuốc BVTV, từ đó xả thải khoảng 2 kg vỏ bao thuốc BVTV, với nhiều chủng loại khác nhau như: Chai thủy tinh, chai nhôm, chai nhựa, túi nilon… rất khó tiêu hủy. Điều đáng nói là lượng thuốc BVTV vẫn còn dư thừa trong các vỏ, chai thuốc tác động xấu đến môi trường.
Mặc dù chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền nhiều về việc thu gom vỏ bao thuốc BVTV, nhưng tình trạng vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất đi đôi với BVMT và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã phối hợp với Trạm BVTV huyện Bình Tân cùng công ty TNHH Tân Thành xây dựng mô hình bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng tại xã Mỹ Thuận.
Các bể chứa được đặt ở đầu và cuối bờ đê, các đường chính để thuận tiện cho người dân bỏ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đúng quy định. Bên cạnh đó, công ty Tân Thành thu mua lại vỏ chai, bao bì thuốc để tái sử dụng.
Từ khi mô hình được đưa vào thực tế, tình trạng rác thải nông nghiệp đã giảm đáng kể, một số nơi chưa có bể chứa thì người dân cũng tự đào hố đốt, qua đó cho thấy nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV nói riêng và ô nhiễm môi trường ở nông thôn nói chung đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội.
Như Yến